Gói 30.000 tỷ đồng: Vướng thủ tục hành chính

- Thủ tục hành chính với vô số giấy tờ, xác định, xác minh đã khiến cho người đi vay tiền chán nản.

Gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 6% một năm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng phối hợp thực hiện được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp.

Sau gần 2 tháng triển khai, dù rất quan tâm và mong muốn vay được tiền với lãi suất ưu đãi để mua nhà, nhưng số người người thu nhập thấp tiếp cận được nguồn vốn này còn quá ít. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là những phiền hà về thủ tục hành chính.

Gói 30.000 tỷ đồng: Vướng thủ tục hành chính  - ảnh 1
Những căn hộ này vẫn là ước mơ của nhiều người thu nhập thấp.

Tổng thu nhập gia đình gần 14 triệu đồng, nhưng vẫn chưa đủ điều kiện về thu nhập để được ngân hàng cho vay tiền mua nhà ở xã hội theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Trường hợp tưởng như khó tin này lại xảy ra với chị Nguyễn Thị Thiêm, giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Sau khi đến chi nhánh của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở quận Long Biên, nghe nhân viên tín dụng tư vấn vay vốn từ gói tín dụng này để mua nhà ở xã hội, mong mỏi, hy vọng bao nhiêu, chị Thiêm lại thất vọng bấy nhiêu.

“Nhân viên ngân hàng nói, với mức lương như của vợ chồng 14 triệu/tháng thì không thể trả được nợ. Nhân viên tư vấn nói, dù 2 vợ chồng nhân viên này có thu nhập 23-25 triệu/tháng nhưng cũng không dám tính đến phương án vay vốn nào. Những thông tin này làm khách hàng rất ngạc nhiên và cảm thấy khó hiểu”, chị Thiêm cho biết.

Qua thực tế tìm hiểu, điều kiện để được vay vốn từ gói này không đơn giản chỉ là thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng như thông báo của ngân hàng. Tìm hiểu thông tin về vay tiền mua nhà ở xã hội, phóng viên đến sở giao dịch của Ngân hàng Vietcombank ở phố Ngô Quyền, Hà Nội, nhân viên tín dụng ở đây cho hay, nếu như thu nhập chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng sẽ khó vay được. Như vậy hàng vạn người thu nhập thấp như cán bộ công chức, có mức lương từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng làm sao đủ điều kiện vay vốn?

Về vấn đề này, ông Trần Xuân Hoàng, Phó TGĐ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lý giải: “Với mức thu nhập 4-5 triệu/ tháng, khách hàng vay 500 triệu là hoàn toàn không khả thi. Bởi ít nhất hộ gia đình đó phải chi 3-4 triệu để sinh hoạt, chỉ còn 1-2 triệu để trả nợ. Với 1 – 2 triệu đồng/tháng để trả nợ vay 500 triệu sẽ không đủ thời gian quy định, bởi Ngân hàng Nhà nước chỉ giao cho ngân hàng thương mại thời gian cho vay tối đa là 10 năm, bản thân ngân hàng cố kéo dài thêm 5 năm nữa. Nhưng với mức trả nợ 1-2 triệu/tháng thì 15 năm không thể trả được nợ”.

Với những người đã đủ điều kiện về thu nhập theo yêu cầu của ngân hàng, thì lại phải hoàn thiện các thủ tục hành chính lên đến cả chục loại giấy tờ như bản sao công chứng chứng minh nhân dân; hộ chiếu, hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, sổ bảo hiểm xã hội; xác nhận của UBND xã, phường về hộ khẩu và thực trạng nhà ở; giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, khả năng tài chính và nguồn trả nợ như bản sao hợp đồng lao động, quyết định chuyển xếp lương công việc hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của người vay và người cùng trả nợ. Những danh mục thủ tục này khiến người đi vay tiền cảm thấy “phát hoảng”.

Người đi vay tiền mua nhà muốn thủ tục nhanh để được giải ngân. Nhưng những thủ tục cần phải đến cơ quan hoặc chính quyền, thậm chí đến tận tổ dân phố để xác nhận rất mất thời gian, có khi phải cần tới trên 10 loại giấy tờ, chứng nhận của cơ quan, địa phương, thủ tục làm cho việc tiếp cận gói vay này thật khó khăn.

Bên cạnh đó, với loại giấy tờ chứng minh khả năng tài chính và nguồn trả nợ, đối tượng cán bộ công chức, viên chức không mấy khó khăn. Nhưng với những người kinh doanh tự do, làm việc cho tư nhân, lại không đóng bảo hiểm, thì UBND xã, phường khó có thể xác nhận về tình trạng thu nhập của họ.

Theo quy định, thu nhập thấp là dưới 5% so với mức thu nhập trung bình của tỉnh, thành nhưng nhiều địa phương lại chưa thống kê đầy đủ về mức trung bình này. Chẳng hạn, người bán hàng tự do, thu nhập của họ có tháng 10 triệu, nhưng lại có tháng chỉ 5 triệu đồng. Ai có thể quản lí và xác nhận được mức thu nhập của họ? Như thế, về cơ bản họ không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho vay ưu đãi để mua nhà, nếu như không có “quen biết” hay có “mối quan hệ”.

Nhưng có lẽ vướng nhất với tất cả các đối tượng người thu nhập thấp muốn vay tiền là thủ tục xác minh thực trạng nhà ở. Một nhân viên tín dụng của ngân hàng Agribank cho biết: Hầu hết khách hàng đến hỏi về thủ tục vay tiền theo nguồn vốn ưu đãi đều khó xin được loại giấy xác nhận của chính quyền địa phương là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà nhưng diện tích sử dụng bình quân dưới 8 m2/người.

“Yêu cầu là phải ra UBND phường để xác nhận chứ không phải xác nhận ở cơ quan. Mà nhiều người ra UBND phường thì cũng khó được xác nhận về mức thu nhập thấp hay về thực trạng nhà ở hiện như thế nào”, nhân viên ngân hàng cho biết.

Thủ tục như trên gặp khó là bởi, phường chỉ có thể xác nhận cho những người đi thuê nhà khi có hợp đồng thuê nhà, nhưng thực tế hiện nay người đi thuê và người cho thuê thường tự thỏa thuận. Thế thì lấy đâu ra hợp đồng cho phường xác nhận. Rồi những trường hợp ở nhờ nhà người thân, ở cùng bố mẹ, anh chị, họ hàng… thì phường xác nhận thế nào? Lại không ít trường hợp ở thuê, ở nhờ trên địa bàn phường này nhưng lại có nhà ở phường khác, do vậy chính quyền địa phương không dám xác nhận là chưa có nhà ở. Thực tế đó ai cũng nhìn thấy được.

Như thế, đủ các loại thủ tục cần chứng minh nhưng lại khó thực hiện trong thực tế hoặc chưa có hướng dẫn rõ ràng khiến số cá nhân được vay tiền trong khuôn khổ gói hỗ trợ này mới chỉ được vài chục người.

Chưa hết, khó khăn lại chồng lên khó khăn khi cá nhân muốn được vay tiền thì phải có hợp đồng 3 bên giữa chủ đầu tư, ngân hàng và người mua./.

Lưu Huyền – Việt Hà

Phản hồi

Các tin/bài khác