Hội nhập quốc tế-động lực để phát triển kinh tế đất nước

(VOV5) - Sáng 22/9, Hệ phát thanh đối ngoại quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam, tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Việt Nam hội nhập quốc tế”.  Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là diễn giả của sự kiện này. 


Hội nhập quốc tế-động lực để phát triển kinh tế đất nước - ảnh 1

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại buổi nói chuyện. Ảnh: Hoàng Hướng


Tại buổi nói chuyện, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh về tầm quan trọng của hội nhập quốc tế đối với các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.  Hiện, Việt Nam là thành viên chính thức của ASEAN, APEC, ASEM và WTO, tham gia 16 khu vực mậu dịch tự do với 55 quốc gia… Việc hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng giao lưu mối quan hệ thương mại với các nước, các tổ chức là cơ hội để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển. Đồng thời thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường trong một số lĩnh vực công nghiệp, thương mại, các ngành dịch vụ; thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.


Hội nhập quốc tế-động lực để phát triển kinh tế đất nước - ảnh 2

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chụp ảnh với cán bộ, phóng siên VOV5


Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lưu ý, trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, để hòa mình vào sân chơi lớn toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, WTO và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng Hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh chứ không chỉ có hợp tác. Nguyên tắc của chúng ta là hợp tác tối đa nhưng không phụ thuộc, vừa hợp tác vừa đấu tranh; Sự nghiệp hội nhập là của toàn dân chứ không phải của một bộ phận nào nhưng trọng tâm là doanh nghiệp. Cái cốt tử là phải xây dựng doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Điều cuối cùng hội nhập phải chú ý tới an ninh quốc phòng và bản sắc văn hóa.

Phản hồi

Các tin/bài khác