Một năm thành công trong điều hành chính sách tiền tệ

(VOV5) - Năm 2013 đánh dấu những tác động theo chiều hướng tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế.

 Nghe nội dung chi tiết tại đây:





Việc ngân hàng Nhà nước Việt nam thực thi chính sách tiền tệ với những giải pháp đúng và kịp thời đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu điều hành kinh tế của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đưa nền kinh tế thoát khỏi sự trì trệ.

 

Một năm thành công trong điều hành chính sách tiền tệ - ảnh 1
Ảnh: dantri.com.vn


Năm 2013, kinh tế Việt nam để lại dấu ấn khá đậm nét khi tình hình lạm phát đã được kiểm soát, mức tăng trưởng kinh tế dù còn thấp, nhưng cũng đã xuất hiện những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng ở mức 5,42%, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã được cải thiện ở mức khoảng 6,04%, là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. CPI tăng thấp phần lớn do kết quả điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết khá tốt mức cung tiền, do đó đã kiểm soát được lạm phát, giá lương thực, thực phẩm cũng chỉ tăng nhẹ. Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia, nhận định:Đóng góp lớn nhất  của chính sách tiền tệ đó là kiềm chế lạm phát. Nếu năm 2011 chỉ số tăng giá CPI trên 18%, thì năm 2012 xuống 6,81% và năm 2013 này ở mức tương đương  năm 2012. Nhưng điều quan trọng là lạm phát không còn là “ con ngựa bất kham” nữa. Thành công thứ 2 là ổn định tỷ giá đồng tiền Việt nam và tăng được dự trữ ngoại hối. Đến nay tiềm lực ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đã đủ mạnh, không để thị trường làm mưa làm gió. Thứ ba, kết quả rất quan trọng là vừa kiềm chế lạm phát lại vừa giảm được lãi suất . Đây là việc rất khó mà Việt Nam thực hiện được.           

 

Một thành quả quan trọng trong năm của ngành ngân hàng có tác động mạnh tới việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, góp phần vào quá trình hồi phục nền kinh tế, đó là chính sách giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thống kê của ngành ngân hàng cho thấy 2 năm về trước lãi suất cho vay có lúc đã lên đến đỉnh điểm với mức 20-22%/năm, thì đến nay thanh khoản của toàn hệ thống đã dồi dào và mức cho vay trung bình đã về gần mốc 10%/năm, tức là đã giảm trên 50%. Thậm chí nhiều gói tín dụng lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay chỉ còn từ 7-9%/năm. Theo các chuyên gia kinh tế, mức trung bình cho vay hiện nay đã ngang bằng với năm 2005, thời kỳ được coi là kinh tế phát triển ổn định, bởi vậy lãi suất không còn là khó khăn đối với các doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng : Chúng ta xử lý tốt về mặt lãi suất, tín dụng thời gian qua đã đưa mặt bằng lãi suất kể cả lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô cũng như khả năng tiếp cận về các điều kiện vi mô của các doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra hiện nay là sử dụng đồng vốn đó như thế nào sao cho có hiệu quả  trong bối cảnh tổng cầu tiêu dùng, tổng cầu đầu tư  tăng thấp như hiện nay”.  

 

Lãi suất giảm nhanh và mạnh cũng đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Đức Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thương mại Cầu Giấy Hà Nội, cho biết: Với doanh nghiệp  lĩnh vực bán lẻ, đến nay sức mua rất yếu. Nhưng với những gói vay ngắn hạn đã giúp chúng tôi duy trì được sản xuất kinh doanh phát triển và giải quyết hàng  tồn kho những năm qua công ty để lại

 

Năm qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giữ vững nhịp điều chỉnh thị trường vàng. Để thực hiện được việc này, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm dần số dư cho vay vốn bằng vàng, qua đó đã loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến vàng và chấm dứt tình trạng "vàng hóa" trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Năm 2013 cũng đánh dấu thành công bước đầu trong việc tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, nhất là củng cố lại hệ thống ngân hàng thương mại. Việt Nam đã giảm 5 tổ chức tín dụng thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể và rút giấy phép 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việt Nam cũng đã hoàn thành cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Cùng với việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tình trạng gia tăng nợ xấu đã được kiềm chế. Hết năm 2013, công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) xử lý được 30.000- 35.000 tỷ đồng nợ xấu.

 

Bước sang năm  2014, dự báo kinh tế thế giới thuận lợi hơn và môi trường vĩ mô trong nước dần đi vào ổn định, Việt Nam có nhiều điều kiện để đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế. Trong bối cảnh ấy, chính sách tiền tệ của Việt nam vẫn ưu tiên các giải pháp kiềm chế lạm phát. Theo hướng này, ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt lãi suất và ổn định tỷ giá nhằm hỗ trợ mạnh hơn cho nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cơ sở cho tăng trưởng kinh tế bền vững./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác