Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn, sức mạnh trên biển Đông

(VOV5)- Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn ra đời chưa đầy 1 năm nhưng đã thể hiện rõ sức mạnh, sự đoàn kết trên biển đông của ngư dân xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Có Nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân huyện đảo Lý Sơn luôn ra khơi với một đội tàu hùng mạnh và cảm thấy yên tâm để bám biển dài ngày và khẳng định chủ quyền quốc gia.

Nghiệp đoàn  nghề cá Lý Sơn, sức mạnh trên biển Đông - ảnh 1
Ngư dân Lý Sơn bám biển

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có đội tàu cá với hơn 5.600 chiếc. Riêng huyện đảo Lý Sơn có hơn 400 tàu, với khoảng 2.000 ngư dân thường xuyên đánh bắt ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài việc đem về nguồn lợi thủy sản, lực lượng lao động này còn góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới biển đảo. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, tình hình sản xuất của ngư dân Lý Sơn gặp nhiều khó khăn.


Đến nay có trên 70 tàu cá của ngư dân huyện Lý Sơn bị tàu lạ tấn công, bắt bớ, giam cầm đòi tiền chuộc, nhiều người vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Vì vậy việc  thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải - Lý Sơn đem lại hiệu quả thiết thực. Đây được xem như mái ấm thứ hai của ngư dân, bên cạnh gia đình và người thân.


Ông Nguyễn Quốc Chinh, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải-Lý Sơn, khẳng định: "Nghiệp đoàn giúp ngư dân thành một khối thống nhất tương trợ giúp đỡ nhau trên biển lúc sóng to gió lớn của biển khơi và điều động kịp thời khi một tàu gặp nạn và điều động tàu của nghiệp đoàn kịp thời đến cứu chữa đưa về nơi an toàn. Từ đấy ngư dân thấy sự quan tâm cũng như vấn đề tuyên truyền báo động các cơn bão diễn biến để ngư dân phòng tránh kịp thời không xẩy ra sai sót. Cho nên ngư dân rất là an tâm bám biển. Trước đây người ta làm phập phồng, thông tin không rõ ràng nên chạy ra rồi chạy về, không có sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau nếu ở lại biển một mình thì dễ mất tài sản."

Ông Ngô Quốc Chinh là ngư dân có kinh nghiệm hơn 20 năm biển cả. Tên tuổi của ông trên sóng nước biển khơi, các ngư dân đều thán phục. Theo ông Chinh, sự ra đời của nhiệp đoàn nghề cá lập tức mang lại hiệu quả cả về vật chất và tinh thần. Từ đây, mối quan hệ giữa ngư dân và chủ tàu không chỉ ngày càng thắt chặt, mà còn giúp họ đoàn kết sát cánh cùng nhau trong những chuyến đánh bắt xa bờ. Do đó khi mới thành lập chỉ có 428 ngư dân của 36 tàu cá xã An Hải tình nguyện tham gia, thì giờ đây số thành viên Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn đã lên đến hàng nghìn người. Còn sản lượng đánh bắt hải sản cũng tăng lên đáng kể. Bình quân mỗi năm chưa đến 90.000 tấn hải sản giờ đã lên đến đến trên 112.000 tấn/năm, nhiều chủ tàu thuyền hàng năm thu về trên 10 tỷ đồng. Thậm chí có những tàu gần đây mỗi chuyến ra khơi đã đem về tiền tỉ. "Trước đây ngư dân, người no vẫn no, người đói vẫn đói ví như ai phát hiện được luồng cá thì họ giấu nhưng nay thì không. Khi vào tổ đội thì tương trợ nhau thì tất cả cùng khai thác. Khai thác có hai lợi ích, nếu anh làm đơn lẻ thì anh có thể sẽ bị cướp tàu, cưới lưới, cá mà đông chiếc thì không xẩy ra tình trạng mất tàu, lưới. Nguồn khai thác ngày càng tăng lên rõ rệt tức là các tàu thuyền khai thác đồng bộ. Từ đấy ngư dân an tâm. Đầu năm chúng tôi tổ chức lễ ra quân, các ngư dân hứa năm 2012 sẽ vượt chỉ tiêu so với năm 2011 và hoàn thành về trước kế hoạch vài tháng. Năm 2011 ngư dân đánh bắt được 14.238 tấn thì năm nay sẽ khai thác được 18 ngàn tấn thủy hải sản".

Điều mà ngư dân Lý Sơn mong đợi là khi gia nhập Nghiệp đoàn Nghề cá, họ sẽ được tiếp thêm sức mạnh, an tâm vượt sóng xa khơi bám biển. Đối với thân nhân của những ngư dân gặp nạn và tử nạn trên biển, Nghiệp đoàn có những chính sách hỗ trợ, giúp gia đình họ phát triển kinh tế, ổn định đời sống, con cái của họ có điều kiện đến trường, tiếp bước cha anh lập nghiệp trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Nghiệp đoàn  nghề cá Lý Sơn, sức mạnh trên biển Đông - ảnh 2
Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn trong ngày ra mắt (ảnh: dantri.com.vn)


Ông Ngô Đình Thành, Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện đảo Lý Sơn, cho biết Nghiệp đoàn ra đời không ngoài mục đích tạo dựng chỗ dựa vững chắc để hỗ trợ bà con ngư dân an tâm bám biển: "Họ thấy nghiệp đoàn rất thiết thực. Sau khi mỗi chuyến ra khơi bà con được tuyên truyền về đường lối chính sách. Anh em liên đoàn và nghiệp đoàn thường xuyên động viên bà con ngư dân trước thiên tai của bão lụt thì bà con phải đoàn kết lẫn nhau cả trên bờ lẫn dưới nước.Có nhiều bà con trong các cuộc họp nói rằng, trước đây chưa vào nghiệp đoàn thì thôi nay vào rồi thì mọi người phải đoàn kết, giúp đỡ. Vừa rồi có vài tàu máy bị kẹt đã được mọi người kéo đưa về. Bà con họ cũng ấm lòng trước mỗi chuyến ra khơi. Khi bà con gặp rủi ro, nghiệp đoàn vào cuộc ngay"

Ngư dân Lý Sơn giờ đây không còn cảm thấy đơn độc trên biển khơi mênh mông nữa mà xung quanh lúc nào cũng có đồng đội hỗ trợ, kể cả người ở đất liền luôn hướng về họ trong suốt hành trình bám biển. Chiếc máy bộ đàm nối liên lạc giữa người ở nhà và người trên biển luôn được hoạt động hết công suất như thế này.


Không chỉ được hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, ứng phó với các sự cố khi đang lao động trên biển, ngư dân vào nghiệp đoàn được tạo điều kiện học tập để nâng cao hiểu biết về luật pháp, được hỗ trợ bởi các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho họ. Ông Thanh, ngư dân có kinh nghiệp lâu năm trên biển ở Lý Sơn, cho biết: "Muốn vô Nghiệp đoàn, riêng bản thân tôi muốn nghiệp đoàn mạnh hơn. Trong khi bão gió, rủi ro có anh em hỗ trợ nhau. Có lợi là ở điều đó. Vô nghiệp đoàn có lợi là mọi người đoàn kết với nhau. Mỗi người có ý thức đoàn kết, hỗ trợ nhau thì có lợi là giảm thiệt hại cho ngư dân trong nghiệp đoàn. Mình có ý thức với nhau, mỗi khi gặp nạn kêu thì mình cứu thì đỡ chi phí. Nếu kêu cứu hộ thì chi phí mất mấy trăm triệu còn mình giúp đỡ thì chi phí chưa đến một phần ba."

Đúng như anh Thanh nói, làm biển nói chung vất vả trăm bề. Ăn cũng cực, ngủ cũng cực, làm cũng cực nhưng có cái sướng là cá bắt đầy ghe. Nhưng đã là nghề của cha sinh mẹ đẻ, nghề của tổ tiên truyền lại thì dù cực trăm bề những ngư dân như anh vẫn lướt sóng ra khơi. Và giờ đây lênh đênh giữa biển khơi mênh mông, họ không còn cảm thấy cô đơn khi mà Nghiệp đoàn luôn sát cánh, đồng hành cùng họ trên mọi hành trình. Nghiệp đoàn nghề cá thật sự là "mái ấm” cho bà con trong những chuyến ra khơi đánh bắt thủy hải sản cũng là bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương./.

Phản hồi

Các tin/bài khác