Sơn La nỗ lực đưa sản phẩm nông sản lên nền tảng số

(VOV5) - Mục tiêu là thúc đẩy hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm OCOP hiệu quả, đặc biệt là tham gia thương mại điện tử và bán hàng online. 

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) giai đoạn 2021-2025, việc đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu, tuyên truyền quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên phương tiện số là một trong những giải pháp trọng tâm. Đoàn viên, thanh niên là lực lượng chủ lực đưa sản phẩm nông sản lên nền tảng số quảng bá, tiêu thụ nông sản cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Sơn La là vựa cây ăn quả lớn nhất miền bắc, với gần 85.000ha cây ăn quả, sản lượng trái cây hàng trăm nghìn tấn quả mỗi năm; có 281 mã số vùng trồng đã được cấp và xuất khẩu sang thị trường các nước Australia, Mỹ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU)… Trong đó có nhiều loại trái cây chủ lực nổi tiếng, như: xoài tròn Yên Châu, Mận hậu Sơn La, nhãn Sông Mã, na Mai Sơn...
Thời vụ thu hoạch các loại trái cây của Sơn La bắt đầu từ tháng tư kéo dài đến tháng 11 dương lịch hằng năm. Do vậy, hoạt động đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương thông qua nền tảng số là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế số nông nghiệp. 
 Giữa tháng 8 vừa qua, tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, tỉnh đoàn Sơn La đã tổ chức tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn. Qua nền tảng Tiktok, đoàn viên, thanh niên và các hộ dân cùng livestream bán hàng trực tiếp trên 20 sản phẩm OCOP là nông sản đặc sản của Sơn La. Chỉ trong 4 giờ đồng hồ, chương trình livestream "Chợ phiên OCOP - Sơn La - Về miền nông sản" với 12 phiên livestream đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, trên 570.000 lượt vào xem, bán được 5 tấn nhãn Sông Mã cùng hơn 2.300 đơn hàng nông sản, mang về gần 470 triệu đồng doanh thu cho tỉnh.

Anh Nguyễn Anh Đức, Thành viên Hợp tác xã (HTX) Tây Bắc, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, phấn khởi cho biết trong vài giờ bán hàng trên nền tảng công nghệ, HTX có được hơn 150 đơn hàng: "Đây là một thay đổi cho phương thức bán hàng của HTX, bởi nền tảng Tiktok rất là mạnh và tiếp cận được rất nhiều người có nhu cầu sử dụng, thế nhưng từ trước tới nay, chúng tôi chưa biết sử dụng và chưa biết về Tiktok nhiều nên chưa mở được các gian hàng bán. Buổi bán hàng ngày hôm nay rất hiệu quả, sẽ giúp ích không chỉ cho HTX bán các sản phẩm tỏi đen và các sản phẩm nông sản khác, mà còn giúp cho rất nhiều bạn trẻ tiếp cận với nền tảng này."

Sơn La nỗ lực đưa sản phẩm nông sản lên nền tảng số - ảnh 1Nông dân Sơn La tích cực đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: VOV

Việc tập huấn nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh thương mại qua nền tảng số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Anh Hà Văn Đại, bản Lưng, xã Chiềng En, huyện Sông Mã, tham gia lớp tập huấn, cho biết: "Qua buổi tập huấn, tôi có thêm xu hướng mới là chuyển đổi số, bởi bán trên sàn thương mại điện tử sẽ không phụ thuộc vào giá. Mình tiêu thụ sản phẩm cũng dễ hơn, đỡ phải phụ thuộc vào thương lái như bây giờ."

Tiếp cận nhanh các xu hướng mới; năng động, sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi số, khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kỹ năng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử… lực lượng đoàn viên, thanh niên đã giúp quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản OCOP của địa phương. 

Chị Cầm Thị Huyền Trang, Bí thư tỉnh đoàn Sơn La, cho biết: "Qua các nội dung tập huấn, chúng tôi mong muốn thanh niên sẽ có điều kiện, cơ hội để tiếp cận với các ứng dụng chuyển đổi số, đặc biệt là nội dung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông sản của địa phương trên các nền tảng số. Thông qua đó, chúng tôi cũng mong muốn đoàn viên thanh niên sẽ có cách nhìn nhận đúng đắn về ứng dụng chuyển đổi số trong việc tham gia phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Sơn La nỗ lực đưa sản phẩm nông sản lên nền tảng số - ảnh 2Nông dân Sơn La từng bước chuyển đổi số trong sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ảnh: VOV

Ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến quảng bá các sản phẩm OCOP, Sơn La đang từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thời gian tới, Sơn La tiếp tục đồng hành với thanh niên tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tập huấn chuyên sâu hơn nữa về Chương trình OCOP, trong đó có nội dung chuyển đổi số. Mục tiêu là thúc đẩy hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm OCOP hiệu quả, đặc biệt là tham gia thương mại điện tử và bán hàng online. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác