Việt Nam kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp

(VOV5)- Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các địa phương phải có chương trình hành động cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp để đến năm 2020, cả nước có 1 triệu doanh nghiệp.



Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và chính quyền phục vụ cộng đồng doanh nghiệp là nội dung Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại lễ ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với 32 tỉnh thành Nam, Trung bộ, sáng 24/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Việt Nam kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp - ảnh 1
Lễ ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh Thanh Minh/Báo Công thương

6 tháng qua, cả nước có hơn  54 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn gần 430 nghìn tỷ đồng, tăng 20%  về số lượng doanh nghiệp, tăng  51% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực của nền kinh tế và môi trường kinh doanh. Từ kết quả này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: các  địa phương phải tiếp tục tạo môi trường thuận lợi  nhất cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh với tinh thần chính quyền phục vụ cộng đồng doanh nghiệp: “Tập trung để  phát triển và tháo gỡ các nút thắt của các loại thị trường, nhất là các yếu tố đầu vào của sản xuất. Nền kinh tế thị trường hiện đại thì 5 thút thắt mà chúng ta phải giải quyết đó là thị trường hàng hóa, dịch vụ tiền tệ, khoa học công nghiệp, bất động sản và thị trường lao động.”

 

Theo Phó Thủ tướng, sau lễ ký kết, các địa phương phải có chương trình hành động cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp để đến năm 2020, cả nước có 1 triệu doanh nghiệp. Đó là: lập website và đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; xây dựng bộ chỉ số doanh nghiệp tỉnh, địa phương và các dịch vụ hỗ trợ. Các hiệp hội doanh nghiệp nêu cao vai trò tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và có những phản hồi về các chính sách. Các tỉnh, thành phải thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận vốn.

 

Tại lễ ký kết, Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký đến năm 2020 có 500 ngàn doanh nghiệp, tỉnh Đồng Nai có 32 ngàn doanh nghiệp và thành phố Đà Nẵng có 31 ngàn doanh nghiệp. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp là tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá cao về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận cho doanh nghiệp.Thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 7 ngày nay chỉ còn 3 ngày. Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch Ủy  ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Qua ký kết này, chúng tôi có lộ  trình rất rõ với VCCI, từ 2016 đến 2020 về thủ tục hành chính, thời gian cắt giảm từng thủ tục hành chính từng lĩnh vực. Chúng tôi rút ngắn thời gian thủ tục từng lĩnh vực  tạo thuận lợi cho doanh nghiệp."

 

Quyết tâm của Chính phủ và sự chủ động, tích cực của các tỉnh, thành trong việc triển khai các chương trình hành động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ  doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác