Xử lý quyết liệt nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng

(VOV5) - Trong 3 năm qua, hệ thống Ngân hàng Việt nam đã xử lý được 249 nghìn tỷ đồng nợ xấu.


Trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc tái cơ cấu  ngành ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu được coi là nhiệm vụ trọng tâm.  Sau 3 năm triển khai tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, việc xử lý nợ xấu  đến nay  đã đạt kết quả bước đầu. 


Xử lý quyết liệt nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng - ảnh 1
Xử lý quyết liệt nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng (Ảnh minh họa: Internet)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:





Trong 3 năm qua, hệ thống Ngân hàng Việt nam đã xử lý được 249 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro khá lớn, trung bình mỗi năm trích được 70 nghìn tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Nếu như năm 2012, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 17%  thì năm nay tỷ lệ nợ xấu đã và đang giảm dần. Tính đến tháng 9 vừa qua, nợ xấu chỉ còn 3,8%. Với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay và với quyết tâm của các tổ chức tín dụng, dự tính nợ xấu đến cuối năm nay sẽ ở mức trên 3%. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) , cho rằng: nợ xấu không phải là vấn đề đáng lo ngại nếu nó nằm trong vòng kiểm soát. Kinh nghiệm xử lý tận gốc nợ xấu là thúc đẩy sản xuất để bán được hàng, thúc đẩy tiêu dùng để người dân mua hàng. Với kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại đơn vị mình, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết: “Ngân hàng đã xây dựng các đội quân đặc biệt tinh nhuệ để chuyên sâu theo dõi, đánh giá, phân tích chứ một mình ngân hàng không làm nổi. Chúng tôi cũng xây dựng một kế hoạch từ 3 đến 4 năm để giải quyết dần nợ xấu . Nói chung là không nên nói nhiều quá đến nợ xấu mà hãy nói đến nợ tốt, hãy nói đến nhu cầu, hãy nói đến phát triển, tự khắc cái đó nó sẽ kéo nợ xấu giảm dần”.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết: Hiện nay,  Ngân hàng Nhà nước đã xác định nợ bằng các tiêu chuẩn quốc tế, theo khả năng trả nợ thực sự của khách hàng. Tình trạng nợ xấu ở Việt Nam hiện đang được xử lý bằng nhiều giải pháp như:  các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro; bán, thanh lý tài sản qua Công ty quản lý tài sản… Cùng với đó  là nguồn trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tích cực thu hồi nợ, kiềm chế sự gia tăng nợ xấu khi cho vay những món mới. Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Xử lý nợ xấu phải có một nguồn lực tài chính thực sự. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy xử lý nợ xấu phải mất rất nhiều chi phí, thậm chí có nước mất vài chục % GDP để đánh đổi cho xử lý nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu vừa qua thông qua công ty mua bán nợ ( VMC) chính là sử dụng bằng nguồn tiền cung ứng, tức là các tổ chức tín dụng khi bán nợ xấu cho VMC thì nhận được trái phiếu đặc biệt và có thể đến Ngân hàng Nhà nước để vay tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường là 2%. Trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước thì Ngân hàng Nhà nước không chỉ có một mục tiêu duy nhất là xử lý nợ xấu mà mục tiêu điều hành tiền tệ không bao giờ được xa rời là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống”.

 Tại diễn đàn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIII đang diễn ra tại Hà Nội, trong phiên thảo luận Báo cáo của chính phủ về tình hình phát triển kinh tế xã hội  đất nước, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% trong năm 2015 mà Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, việc tái cơ cấu ngành ngân hàng và xử lý nợ xấu cũng phải gắn trong tổng thể tái cơ cấu của cả nền kinh tế. Trong đó, cần tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, quyết liệt chống thất thu, chống buôn lậu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và bền vững; triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước. Như vậy, giải quyết vấn đề nợ xấu thông qua việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ có tác dụng tích cực, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP của đất nước./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác