Chị Ninh Móc Sầu, vươn lên thoát nghèo bằng mô hình nuôi lợn rừng

(VOV5) - Chị Ninh Móc Sầu, dân tộc Sán Chỉ luôn được người dân ở xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh khen ngợi  là người phụ nữ hay lam hay làm và là người năng động biết đón bắt cơ hội làm ăn. 


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Căn nhà của gia đình chị Ninh Móc Sầu khá đơn sơ. Sân phía ngoài được chị sử dụng làm cửa hàng tạp hóa. Quầy hàng của nhà chị Sầu không khang trang như ở thành phố nhưng cũng bán đủ các mặt hàng  để phục vụ cho người dân nơi đây như xà phòng, kem đánh răng, mắm, muối, bánh kẹo...Tiền lãi của cửa hàng tạp hóa nhỏ này cũng phần nào giúp chị Sầu trang trải cho tiền ăn cho gia đình, tiền học cho con. Thế nhưng không chỉ bằng lòng với cuộc sống đạm bạc, vợ chồng chị Sầu cũng xoay sở đủ nghề. Chị tâm sự:
 "Mọi người ở đây  chỉ làm ruộng còn em không làm ruộng, chỉ nuôi lợn, làm đậu phụ, nấu rượu. Nếu không làm sợ mai sau con cái mình không có tiền. Mình phải làm mới có tiền, mới giàu được. Ai cũng làm giàu được, mình nghèo thì không được, xấu hổ lắm. Làm giàu để mai sau con cái được ăn học".


Chị Ninh Móc Sầu, vươn lên thoát nghèo bằng mô hình nuôi lợn rừng - ảnh 1
Chị Ninh Móc Sầu và đàn lợn rừng cho thu nhập cao


Chị Sầu cho biết đất đai ở đây không trù phú nên việc trồng trọt cũng không phát triển. Chính vì thế chị chọn mô hình nuôi lợn nái và lợn rừng. 
Chị là người đầu tiên ở xã Bắc Sơn mạnh dạn mua lợn rừng về nuôi. 4 năm qua, mỗi năm 1 lứa lợn suất chuồng được thương lái đến tận nơi mua về. Năm đầu tiên vốn không có nhiều, chị phải chạy vạy vay mượn anh em họ hàng khắp nơi để mua vài đôi lợn giống. Chị Sầu bảo cũng may là giống lợn rừng này nuôi không cầu kỳ. Lợn rừng thì cho ăn sắn, ăn chuối, rau khoai. Tuy nhiên cái khó là phải trồng rau cho lợn ăn, rồi chăm sóc đàn lợn. Lợn trắng cho ăn cám gạo, ăn sắn sẽ nhanh lớn, còn lợn rừng chỉ chăn bằng rau khoai.


Chị Ninh Móc Sầu, vươn lên thoát nghèo bằng mô hình nuôi lợn rừng - ảnh 2
Vườn rau khoai làm thức ăn cho đàn lợn rừng


Hiện trong chuồng nhà chị có khoảng 30 con lợn rừng chờ suất chuồng trong dịp Tết nguyên đán sắp tới và đôi lợn nái chuẩn bị đẻ. Vì thế một ngày của vợ chồng chị Sầu luôn bận rộn chân tay. Từ
 4 giờ sáng chị đã dậy đun nước để thịt lợn cho chồng đi bán ở thành phố Móng Cái. Chị ở nhà nấu rượu, bán đậu, chăn lợn, nấu cơm cho con đi học, chiều  đi bán thịt ở các làng xung quanh. Rồi chị còn đi mua rau,  mua cá về đi bán rong. Chị cho biết, nấu 1 can rượu lãi được 50 nghìn, ngoài ra còn làm 5 kg đậu, một ngày cũng kiếm được từ 200 đến 400 nghìn đồng. 


Chị Ninh Móc Sầu, vươn lên thoát nghèo bằng mô hình nuôi lợn rừng - ảnh 3
Chị Sầu làm việc luôn tay để chăm sóc đàn lợn rừng


Bỗng rượu, bã đậu chị cho vào trộn với rau chuối thái nhỏ để làm thức ăn cho đàn lợn rừng. Nhìn đàn lợn tranh nhau ăn, chị Sầu cũng thấy hài lòng với công sức mình bỏ ra. Ông Nguyễn Văn Hoàn, chủ tịch xã Bắc Sơn cho biết: 
Gia đình chị Sầu đã mạnh dạn đăng ký nuôi lợn rừng thương phẩm. Lúc đầu nuôi 10 con sau thấy có hiệu quả giờ nuôi trên 30 con. Qua hơn 1 năm nuôi thấy có hiệu quả thu nhập một năm được 30- 40 triệu. Gia đình chị Sầu cũng là một gia đình có mô hình làm ăn kinh tế để nhiều gia đình khác học tập. Ngay ở thôn cũng có vài gia đình học tập mở rộng nuôi lợn rừng theo nhà chị Sầu.


Gia đình chị Sầu chưa phải là giàu có nhưng vợ chồng chị lúc nào cũng vui vẻ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn rừng cho bà con hàng xóm. Nhiều khi chị còn hỗ trợ vốn cho vay không tính lãi suất. Chị Sầu cho biết dù sao thì cuộc sống của mình cũng đỡ khó khăn, cần phải biết nâng đỡ những người xung quanh. Một năm gia đình chị thu nhập các khoản cũng được 100 triệu tiền lãi. Số tiền đó chị lại tích lũy đầu tư nâng cấp chuồng trại và tăng số lượng lợn nuôi lên.  Hiện chị vẫn mua lợn giống ở tỉnh Lạng Sơn nhưng chị đang nghĩ tới việc phải nuôi lợn giống vừa là giảm chi phí và chủ động cung cấp được nguồn lợn giống cho địa phương./.

Phản hồi

Các tin/bài khác