(VOV5) - “Ngày 30/4/2013, Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12, Trường THPT Đô Lương I, Nghê An nghe tiếng kêu có một tốp học sinh đang chới với trong dòng nước sông Lam, liền chạy đến cứu. Khi kéo được người thứ năm vào bờ thì Nam kiệt sức, bị dòng nước cuốn trôi”. Đọc mẩu tin này trên báo, tôi không nén nổi xúc cảm mạnh, gọi điện về cho cô giáo hiệu trưởng Nguyễn Thị Kiều Hương. Qua giọng nói yếu, tôi hiểu cô đang sụt sùi. Thế là câu chuyện phải dừng lại, mỗi phía chỉ nói được một câu “Tôi xin chia buồn cùng nhà trường”, “Nhà trường xin cảm ơn anh”.
Ảnh :Thanhnien
Trường THPT Đô Lương I là nơi tôi đã học (1960-1963), ngày ấy có tên Cấp III Anh Sơn, được xây dựng ở Truông Cồn Đọi, địa danh đi vào lịch sử bằng những cuộc biểu tình khổng lồ của dân chúng chống đế quốc phong kiến trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), cạnh thị trấn Đô Lương, nơi nổ ra cuộc Khởi nghía Đội Cung năm 1941, lại là “Thủ đô” kháng chiến của Liên Khu 4 thời chống Pháp, quê anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị, cách đài tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn thời chống Mỹ chỉ 3km.
Tại địa danh ấy, lớp lớp học sinh nghèo ham học, ngày ngày đến trường thu nạp kiến thức từ lớp lớp thầy cô hết lòng với sự nghiệp trồng người. Cách đây 4 năm, Trường kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập (1959-2009). Nhiều thế hệ thầy trò gặp nhau tay bắt mặt mừng. Trò rất cảm ơn thầy và thương thầy ngày một già yếu. Thấy rất vui và hãnh diễn về trò ngày một trưởng thành. Ai ai cũng đầy tự hào với trang sử của trường: Nhiều học sinh đoạt giải cao trong nhiều kỳ thi olympíc quốc tế và đứng đầu nhiều kỳ thi vào trường đại học. Nhiều học sinh tốt nghiệp xong, tự nguyện ở lại xây dựng quê hương. Không ít học sinh học lên, say sưa sáng tạo giành được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Hơn thế, có cả nghìn thầy trò đi đánh Mỹ, trong đó hơn 200 người hy sinh trên các mặt trận. Số còn lại, không ít người trở thành tướng lĩnh và anh hùng..
Ôn lại trang sử ấy tôi muốn nói về thế hệ học sinh của trường hôm nay, mà Nguyễn Văn Nam là một trong những điển hình: chăm học, chăm làm, quên mình vi việc nghĩa. Những con người như Nam, dù thân mình không còn, nhưng gương sáng vẫn sống trong lòng mọi người và được nhiều người noi theo. Thầy và trò trò Trường Đô Lương thương yêu Nam sẽ vươn tới những thành tích mới. Sâu rộng hơn, Chủ tịch nước vì sự trường tồn của dân tộc đã biểu dương Nam. Trung ương Đoàn Thanh niên vì sự nghiêp vun đắp tương lai, lấy Nam làm gương soi cho triệu triệu đoàn viên. Bộ Giáo dục - Đào tạo lấy việc nghĩa của Nam làm đề thi tốt nghiêp phổ thông niên học 2012-2013 để khích lệ sự nghiệp trồng người và cách học làm người.
Đêm Vọng – Hà Nội, 10/6/2013