Giấc mơ “Made in Vietnam” sánh ngang “Made in Japan”

(VOV5)- Đó là mơ ước của một doanh nhân Việt kiều tại Nhật Bản. Hai người con của ông cũng đang tích cực cùng bố đưa giấc mơ này thành hiện thực.

Năm 2012, Công ty Metran, một doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên sản xuất máy thở dùng trong y tế được Nhật Hoàng đến thăm. Đây là vinh dự rất lớn đối với bất kỳ công ty nào ở Nhật bởi một năm Nhật Hoàng chỉ đến thăm 3 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đặc biệt là Công ty Metran do một người Việt Nam, ông Trần Ngọc Phúc sáng lập nên từ hai bàn tay trắng.
 
Nổi danh tại Nhật Bản
 
Trái với tưởng tượng của tôi về một doanh nhân thành đạt đã từng được Nhật Hoàng đến thăm, ông Trần Ngọc Phúc, người sáng lập Công ty Metran lại không hề có dáng vẻ của một doanh nhân. Không đóng bộ comple cà vạt lịch sự, mái tóc dài để lòa xòa tự nhiên, cặp kính trễ trên mũi, dáng người khoan thai, ngay cả cách nói chuyện cũng chậm rãi từ tốn, người đàn ông 66 tuổi này tự nhận mình chính gốc là một nhà nghiên cứu.
 
Giấc mơ “Made in Vietnam” sánh ngang “Made in Japan” - ảnh 1
Ông Trần Ngọc Phúc: “Cái ưu tiên cao nhất là phụng sự, chứ không phải là kinh doanh
 
Đến Nhật Bản du học từ năm 1968, người con xứ cố đô Huế chọn ngành hóa công nghiệp với mong muốn học hỏi những công nghệ tiên tiến của xứ mặt trời mọc. Tốt nghiệp năm 1974, ông Trần Ngọc Phúc làm việc cho một công ty nghiên cứu thiết bị y tế trong 10 năm. Năm 1984, ông cùng người bạn thành lập Công ty Metran tại thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama, nằm cách Tokyo khoảng 1 giờ chạy xe.
 
Sản phẩm đầu tiên của công ty là chiếc máy hô hấp tần số cao Humming Bir đã ngay lập tức giành giải nhất tại cuộc thi máy hô hấp nhân tạo do Viện Y tế quốc gia Mỹ tổ chức. Dựa trên thành công bước đầu, ông Trần Ngọc Phúc và những người cộng sự đã dồn mọi nguồn lực vào nghiên cứu để chế tạo thành công thiết bị trợ thở có tên gọi Máy thở rung cao tần HFO (High Frequency Oscillatoty Ventilation).
 
Khác với những máy trợ thở thông thường hoạt động trên nguyên tắc dùng áp lực để đẩy oxy vào buồng phổi, máy thở rung cao tần của Công ty Metran không dùng áp lực quá cao mà dùng chấn động để khuếch tán ô-xy nhanh hơn 10 nghìn lần. Chiếc máy này đặc biệt hữu ích đối với trẻ sơ sinh bởi trẻ sơ sinh có buồng phổi chưa trưởng thành nên ô-xy không thể vào buồng phổi được. Nếu dùng áp lực cao để đưa ô-xy vào thì khí quản bị phồng ra chứ không phải buồng phổi. Nguyên lý hoạt động của máy thở rung cao tần là khuấy ô-xy ngay từ miệng vào đến buồng phổi trong thời gian rất ngắn.
 
Hiện đã có hơn 1.400 máy HFO được trang bị tại 90% cơ sở y tế của Nhật Bản. Hơn 200 máy đã được xuất khẩu đến 12 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh), chỉ riêng trong năm 2011, bệnh viện đã cứu sống được 120 bé sinh non nặng dưới 1kg nhờ sử dụng máy HFO của Metran.
 
Ông Trần Ngọc Phúc và Công ty Metran đã được nhận nhiều giải thưởng của Chính phủ Nhật Bản, mới đây nhất là “Giải thưởng sáng tạo lớn” lần thứ 4 của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản dành cho “Dụng cụ hô hấp nhân tạo bảo vệ sinh mệnh của trẻ siêu sinh non”.
 
Giấc mơ “Made in Vietnam” sánh ngang “Made in Japan” - ảnh 2
Công ty Metran đã vinh dự được Nhật Hoàng đến thăm hồi tháng 7/2012
 
Với những thành tích trong sự nghiệp cứu người, Công ty Metran đã vinh dự được Nhật Hoàng đến thăm hồi tháng 7/2012. “Được gặp Nhật Hoàng là ước mơ của người dân Nhật. Với tôi, được hướng dẫn Nhật Hoàng tham quan nhà máy trong hơn một tiếng đồng hồ quả là vinh dự lớn. Có thể nói, đó là ngày đáng nhớ nhất trong lịch sử phát triển của Metran”, ông Trần Ngọc Phúc chia sẻ.
Bí quyết thành công
Kể về chặng đường dẫn đến thành công ngày hôm nay, ông Trần Ngọc Phúc cho rằng, nhờ ông đã xác định ngay từ đầu mục đích trong sự nghiệp của mình. Thời gian đầu định thành lập công ty, ông cũng đặt vấn đề kinh doanh lên hàng đầu. Đã là công ty thì phải kinh doanh và phải có lợi nhuận. Nhưng khi đến bệnh viện ngắm nhìn những em bé sinh non thiếu tháng trông như những thiên thần, ông chợt nhận ra rằng lẽ sống của đời mình là hy sinh để phụng sự cho nhân loại. “Trong tôi, cái ưu tiên cao nhất là phụng sự, chứ không phải là kinh doanh”, ông Phúc bày tỏ.
 
Một bí quyết nữa dẫn đến thành công là ông luôn ghi nhớ điều cha mẹ dạy bảo từ thuở bé: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Ông đã dành cả cuộc đời mình cho việc nghiên cứu máy trợ thở để cứu người. Chính bí quyết này đã giúp ông Phúc có định hướng khôn ngoan khi để Metran tập trung vào mũi nhọn nghiên cứu, phát minh và dành phần tiếp thị, bán hàng cho đối tác Nhật với nhiều kinh nghiệm hơn hẳn.
 
Với giọng nói vẫn đặc chất Huế dù đã sống ở Nhật lâu năm, ông Phúc nhớ lại những khó khăn ban đầu khi một người nước ngoài bước chân vào lĩnh vực thiết bị y tế vốn đòi hỏi rất nhiều yêu cầu khắt khe tại Nhật Bản. “Đừng bỏ cuộc, phải đối diện với thực tại để vượt qua khó khăn”, đó là lời dạy của cha nuôi, đồng thời là thầy dạy môn kiếm đạo của ông Phúc. Cho dù đã đạt được những thành công đáng khâm phục nhưng ông không bao giờ thấy mãn nguyện, luôn tìm tòi cái mới tốt hơn.
 
Theo ông Phúc, trong mỗi con người Việt Nam đều có sẵn bí quyết để thành công. Với sự chuyên tâm, cần cù, chịu khó, một người Việt Nam hoàn toàn có thể thành công tại Nhật Bản - một xã hội vốn khắt khe với người ngoại quốc nhưng cũng có nhiều môi trường thuận lợi để phát triển. “Tôi không phải là người Việt Nam đặc biệt, ai cũng có thể làm như tôi, chỉ cần có môi trường để phát huy”, ông Phúc quả quyết.
 
Giấc mơ “Made in Vietnam” sánh ngang “Made in Japan” - ảnh 3
Dây chuyền sản xuất của Metran nhỏ gọn nhưng các sản phẩm đã cứu sống rất nhiều sinh mạng trẻ nhỏ
 
Nâng tầm “Made in Vietnam”
 
Ông Phúc cho rằng người Việt Nam có tính sáng tạo rất cao, chỉ cần có môi trường thuận lợi sẽ phát huy hết phẩm chất của mình và đạt được thành công. Ông Phúc cho biết, Công ty Metran tại Nhật Bản trong tương lai sẽ chỉ chuyên nghiên cứu, còn công việc chế tạo sẽ dần chuyển hết về Việt Nam. Qua môi trường làm việc này, ông mong muốn truyền đạt tất cả những gì mình có cho thanh niên Việt Nam. “Không phải chỉ là chuyện mướn họ, trả lương cho họ để họ làm việc cho mình. Không phải đơn giản như vậy. Làm sao để trong tương lai biến họ thành một partner (đối tác) chứ không phải là một nhân công”, ông Phúc chia sẻ.
 
Theo ông Phúc, không chỉ có kỹ năng trong công việc, quan trọng nhất là giáo dục cho thanh niên tư tưởng, cách suy nghĩ cùng khát vọng vươn tới. “Tại sao người Nhật lại xây dựng được đất nước như thế này?” luôn là câu hỏi ông Phúc muốn thanh niên Việt Nam trả lời được.
 
Năm nay đã 66 tuổi, ông Phúc đang dần chuyển giao công việc cho 2 cậu con trai mang trong mình cả 2 dòng máu Việt - Nhật. Ví mình như một con cá ngừ nếu ngừng bơi sẽ chết, ông cho biết sẽ không bao giờ ngừng làm việc. Ông sẽ dành quãng thời gian cuối đời tiếp tục nghiên cứu và truyền đạt tư tưởng, suy nghĩ, kinh nghiệm và kỹ thuật cho thanh niên Việt Nam.
 
Mơ ước của ông Phúc là giới thiệu được những sản phẩm do người Việt Nam thiết kế, chế tạo và sản xuất tại Việt Nam nhưng chất lượng ngang bằng, thậm chí còn cao hơn cả những sản phẩm “Made in Japan”. Những chiếc máy trợ thở tần số cao được sản xuất ở nhà máy của Công ty Metran tại Việt Nam đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe nhất để nhập khẩu vào Nhật Bản là minh chứng cho thấy giấc mơ của ông Trần Ngọc Phúc đang dần thành hiện thực.
 
Cả hai cậu con trai của ông Phúc đều đang tích cực tham gia cùng bố đưa giấc mơ “Made in Vietnam” lên sánh ngang “Made in Japan”. “Niềm vui lớn nhất của tôi là con cái muốn quay trở về quê hương để cống hiến”, ông Phúc tâm sự.

Phản hồi

Các tin/bài khác