Gìn giữ những nét đẹp ngày xuân ở Australia

(VOV5) -  Sinh sống ở quốc gia đa sắc tộc như Australia, các gia đình người Việt ở nước ngoài càng phải nâng niu, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống có từ hàng nghìn đời nay của dân tộc. 

Hàng năm, vào mỗi dịp tháng Giêng - tháng của khởi đầu một mùa xuân mới, đối với người Việt Nam, đặc biệt là những người sinh sống ở nước ngoài, thói quen đi lễ chùa xin lộc, xin chữ đầu năm không chỉ là hoạt động tâm linh mong cầu may mắn, an lành, cuộc sống ấm no- hạnh phúc... mà còn là dịp để bà con gìn giữ, phát huy những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt được hình thành từ nghìn đời nay. Những chia sẻ của Tiến sĩ  (TS) Nguyễn Hồng Hải, người Việt đang sinh sống ở Brisbane, thủ phủ bang Queensland, Australia.

   Nghe âm thanh bài viết tại đây:    

       
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải hiện là Phó Giáo sư thỉnh giảng, Đại học Sunshine Coast và Giảng viên cao cấp thỉnh giảng Đại học Công nghệ Queensland, Australia). Những năm qua, TS Hồng Hải được Đại học VinUni ở Hà Nội mời làm Giảng viên cao cấp tại Viện khoa học và Giáo dục khai phóng. Vì thế, anh có nhiều cơ hội được đi lại rất thường xuyên giữa Việt nam và Australia. Và, dịp lễ Tết vừa rồi sau khi từ Việt Nam về Australia, anh rất vui khi được trải nghiệm cái Tết cộng đồng cùng bà con ở Brisbane, bang Queensland.
Gìn giữ những nét đẹp ngày xuân ở Australia - ảnh 1

Mặc dù sống ở Australia từ hàng chục năm nay nhưng trong cuộc sống hàng ngày, gia đình TS Hồng Hải vẫn gìn giữ những thói quen rất thuần Việt, đặc biệt là những phong tục truyền thống trong dịp lễ Tết cổ truyền.

TS Hồng Hải cho biết, năm nào cũng thế, dù không được hưởng không khí ngày Tết như ở quê nhà Việt Nam, nhưng gia đình nào ở đây cũng cố sắm sanh một cái Tết “đủ đầy”hương vị Việt: “Rất vui là năm nay, nơi chúng tôi lần đầu tiên tổ chức cái Tết cộng đồng, tập hợp tất cả mọi người tham gia. Ai cũng hân hoan, đặc biệt là các cháu thanh thiếu niên. Có rất nhiều các hoạt động về giáo dục văn hóa truyền thống cho các cháu. Nhiều gia đình đã lâu không được về Việt Nam nên các bạn ít có khái niệm đầy đủ về Tết. Mỗi một hoạt động đều giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của tết như gói bánh chưng như thế nào, làm cơm cúng ông Công - ông Táo rồi lễ cúng giao thừa, cúng tất niên ra sao, rồi ý nghĩa của Tết cha, Tết thầy như nào...”

Gìn giữ những nét đẹp ngày xuân ở Australia - ảnh 2                              Viết thư pháp tặng chữ ngày xuân

Theo Tiến sĩ Hồng Hải, mỗi dịp tháng Giêng, nhất là vào những ngày cuối tuần, các đền chùa lớn tại nhiều nơi ở Australia chật ních người đi cúng lễ. Những ngôi chùa nơi đây đều có các hoạt động vui chơi tín ngưỡng như múa lân rồng, có cả hoạt động viết sớ cầu an, giải hạn, phục vụ cơm chay không khác gì ở Việt Nam.

Gìn giữ những nét đẹp ngày xuân ở Australia - ảnh 3Ngoài công việc là giảng dạy các môn chuyên ngành tại các trường Đại học, Tiến sĩ Hải rất thích viết thư pháp, tặng chữ.

Dịp Tết vừa rồi, Tiến sĩ Hồng Hải thấy vui hơn khi năm nay anh được trổ tài họa thư pháp - viết chữ tặng bà con nơi đây. Ngoài công việc giảng dạy tại trường Đại học thì viết thư pháp là một trong những thói quen yêu thích của Tiến sĩ Hồng Hải:

“Tết cộng đồng năm nay, tôi được mời làm ông đồ viết chữ tặng mọi người. Viết thư pháp là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Mọi người đi lễ chùa, đến đình làng hay đến những nơi như Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) để xin chữ. Tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động vui đón Xuân về, ai cũng phấn khởi, hân hoan. Tôi rất vui bởi mình không chỉ có cơ hội được tặng chữ mọi người mà còn tự hào hơn nữa khi được đóng góp một phần trong việc giữ gìn và lan tỏa nét bản sắc văn hóa của người Việt.”

Gìn giữ những nét đẹp ngày xuân ở Australia - ảnh 4Tết còn là dịp để bạn bè quây quần tụ họp vui vẻ. Ảnh nhân vật cung cấp

Giống như nhiều gia đình người Việt ở Brisbane, gia đình chị Hương cũng rất thích đi lễ chùa và xin chữ cầu may trong dịp đầu xuân này. Chị cho biết, năm nay chị  được “ông đồ” Hải tặng chữ “Phúc” với mong muốn một năm được may mắn, bình an, tràn đầy phúc lộc thọ cho bản thân và gia đình: 

“Với tôi, chữ Phúc rất có ý nghĩa và đặc biệt khi có hạnh phúc thì cuộc sống của chúng ta sẽ vui tươi hơn và tốt đẹp hơn. Dịp này, tôi rất thích  được vui Tết với bạn bè. Tết luôn có ý nghĩa đặc biệt với tôi, bởi cứ đến Tết là tôi lại nhớ quê hương và không khí Tết ở Việt Nam. Trong suốt 13 năm sinh sống ở Australia, năm nào gia đình tôi cũng cùng bạn bè gói bánh chưng, cúng Phật, cúng gia tiên xong để bày tỏ lòng biết ơn. Dịp này, tôi thường đi lễ chùa xin chữ đề cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho người thân, gia đình. Ngoài ra, đây là khoảng thời gian vui vẻ nhất vì chúng tôi được sum họp, chơi Tết và đi lễ chùa cùng nhau”. Chị Hương chia sẻ.

Gìn giữ những nét đẹp ngày xuân ở Australia - ảnh 5Xin chữ "ông đồ" Hải.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sinh sống tại quốc gia đa văn hóa, đa sắc tộc như Australia, những gia đình người Việt như gia đình TS Hồng Hải luôn xác định rằng càng phải nâng niu gìn giữ, lan tỏa những giá trị của văn hóa truyền thống có từ hàng nghìn đời nay của dân tộc Việt Nam. Bởi đó được xem như bản sắc riêng, là sức mạnh mềm giúp nâng cao vị thế của người Việt ở sở tại.

“Tại một môi trường đa tôn giáo, và sắc tộc, người Việt mình càng phải thể hiện được bản sắc riêng có của mình. Bản sắc Việt phải không được đánh mất và rồi để giáo dục làm sao cho con cháu thế hệ kế tiếp mình vẫn duy trì được mối liên hệ, sợi dây kết nối với gia đình và nguồn cội văn hóa Việt Nam. Chính vì thế theo tôi, những dịp đặc biệt như này chúng ta cần hướng dạy cho các con từ cái việc ăn mặc, tham gia cùng bố mẹ gói bánh chưng, treo tranh Đông Hồ, treo câu đối đỏ, hay đi lễ chùa... Tất cả những điều đó phản ánh những bản sắc văn hóa rất Việt Nam. Chính vì thế, việc tổ chức Tết hay các lễ hội văn hóa giúp cho các con cái chúng tôi luôn duy trì được các mối liên hệ với gia đình, với quê hương Việt Nam, đồng thời khơi dậy niềm tự hào với truyền thống văn hóa của dân tộc.  Anh Hồng Hải nói.

Gìn giữ những nét đẹp ngày xuân ở Australia - ảnh 6Vui tết cộng đồng Giáp Thìn 2024

Trong tiềm thức của những người con xa xứ, quê hương Việt Nam không chỉ là nơi để nhớ, để thương mà còn là nơi để cùng nhau hướng về. Đó chính là sợi dây tình cảm bền chặt gắn kết giữa các thế hệ trong các gia đình người Việt. Hân hoan chào đón mùa xuân mới, có lẽ ước nguyện chung của tất cả người con Việt ở khắp mọi nơi là mong đất nước phát triển giàu mạnh và cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến với mọi nhà.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác