Người Việt tại Voronezh -ổn định và phát triển sau khó khăn

 Người Việt tại Voronezh -ổn định và phát triển sau khó khăn - ảnh 1
 Một gian hàng của bà con cộng đồng người Việt tại Voronezh ở chợ mới.

Sau thời gian dài chung sống với khó khăn vì phải chuyển chợ mới, nụ cười lại nở trên khuôn mặt của bà con cộng đồng người Việt tại Voronezh.

Những gian hàng ở chợ mới đã tấp nập người mua sắm, khu chợ dường như rộn ràng hơn, đông vui hơn sau một thời gian dài.

Khó khăn nhưng vẫn cố gắng vượt lên

Năm 2011 quả là một năm đầy rẫy những khó khăn và biến động trong đời sống của bà con Việt tại Voronezh. Lao đao vì chợ sắp phải di chuyển đến chỗ mới, mất chỗ làm ăn, buôn bán, bà con chỉ biết thở ngắn, than dài. Người không thể “trụ nổi” ở lại làm ăn đã phải về nước, người thì hoang mang không biết kiếm chỗ mới, chợ mới để ổn định cuộc sống cũng lo lắng không kém. Đã vậy người muốn ở lại tiếp tục làm ăn sinh sống thì lại lo lắng nhiều điều.

Anh Quang Huy- một người bán hàng ở chợ cho biết: “Thời gian đó tôi cũng hoang mang nhiều, mười mấy năm buôn bán trên đất người, giờ chẳng lẽ lại mất tất cả. Chẳng biết sẽ đi đâu về đâu, có lúc tôi cũng tính đến chuyện về Việt Nam sinh sống nhưng nghĩ mình đã gắn bó với mảnh đất này rồi thì rồi cũng có cách giải quyết”.

Cuộc sống lại hồi sinh

Khó khăn là thế, nhưng Chi hội người Việt và bà con nơi đây vẫn không đầu hàng. Nhìn khu chợ mới khang trang, sạch sẽ, tấp nập người buôn bán giờ đây là minh chứng cho điều đó. Khu chợ người Việt tại Voronezh giờ đã trở thành một trung tâm thương mại lớn với tổng diện tích lên tới hơn 6000 m2, với hơn một trăm hộ dân hoạt động buôn bán. Mặc dù khi mới thành lập khu chợ mới, bà con cùng ban quản trị đã gặp không ít khó khăn. Người dân bán hàng thì lại một lần nữa phải đầu tư cơ sở vật chất, hàng hóa để phục vụ việc buôn bán. Chi phí đắt đỏ khiến bà con còn rất nhiều lo ngại. Giá thuê một gian hàng ờ đây cũng cao hơn trước, trung bình thường từ hơn 60.000 rúp để thuê một gian hàng có mặt tiền hơn 7m2. Anh Hồng Giang (quê Hưng Yên) - chủ một ki- ốt trong chợ tâm sự: “Phải bỏ ra một số tiền lớn để thuê gian hàng, trang trí cửa hàng, rồi sắm sửa hàng hóa bà con cũng vô cùng lo lắng. Thêm nữa chợ lại nằm ở ngoại ô, cách khá xa khu dân cư nên người dân còn chưa biết có thể bán được hàng hay không”.

Người Việt tại Voronezh -ổn định và phát triển sau khó khăn - ảnh 2
Người Việt tại Voronezh niềm nở phục vụ khách hàng

Còn với ban quản trị chợ thì việc hoàn thiện hồ sơ thành lập chợ, huy động bà con ra chợ mới cũng gặp không ít khó khăn. Ông Phạm Ngọc Trung- Chủ tịch chi hội người Việt tại Voronezh nói: “Mới thành lập chợ, bà con cũng phải đầu tư nhiều, ban đầu lại không có tuyến xe bus vào chợ, nên bà con còn lo ngại. Hơn nữa, lại ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, giá cả lên cao, lượng mua hàng ít nhiều hộ cũng không dám chuyển ra”.

Nhưng với tinh thần của dân tộc Việt luôn cần cù, chịu khó, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau, cộng đồng bà con tại thành phố này giờ đây đã vượt lên khó khăn, ổn định và phát triển. Và đặc biệt ban quản trị cùng Chi hội người Việt nơi đây luôn giúp đỡ, ủng hộ và sát cánh cùng bà con trong mọi khó khăn. Ông Trung tâm sự: “Ban quản trị chúng tôi luôn lấy dân làm gốc, trong mọi khó khăn, chúng tôi luôn tham khảo và lắng nghe ý kiến của người dân. Tạo được niềm tin ở dân, và sự đoàn kết của cộng đồng thì tất cả mọi việc đều trở lên dễ dàng. Vừa qua để giải quyết vấn đề khó khăn nhất là tạo tuyến giao thong thuận tiện với khu chợ, chúng tôi đã đầu tư những chiếc xe bus để phục vụ bà con. Tổng cộng đến nay đã có 4 chiếc xe chạy liên tục trong ngày từ 6h sang đến 5h chiều, ước tính mỗi ngày có hơn 130 lượt xe đi lại’’.

Mặc dù ban đầu ban quản trị chợ cùng bà con đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để tu sửa, đầu tư cho chợ, nhưng ngày hôm nay họ đã phần nào ổn định được cuộc sống và buôn bán cũng có phần khấm khá hơn. Những gian hàng đã tấp nập người mua sắm, khu chợ dường như rộn ràng hơn, đông vui hơn sau thời gian dài khó khăn. Các mặt hàng trong khu chợ dường như cũng phong phú hơn rất nhiều. Từ giày dép, quần áo, khăn mũ, và rất nhiều vật dụng phục vụ nhu cần thiết yếu của con người. Hơn nữa khu chợ mới lại được xây dựng kiên cố, khang trang, mùa đông luôn có lò sưởi ấm áp bà con cũng đỡ vất vả hơn nhiều so với khu chợ trời trước đây. Anh Huy cũng cho biết: “Cũng chưa biết được việc buôn bán của bà con có thuận lợi hay không, nhưng được bán hàng trong nhà ấm áp, sạch sẽ, luôn đảm bảo được sức khỏe, chúng tôi cũng cảm thấy vui lắm rồi”.

Dù bước đầu đã tạm ổn, nhưng cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều những khó khăn. Hiện do ảnh hưởng chung của tình hình nhập cư tại Nga, chính quyền xiết chặt hơn việc nhập cư với người nước ngoài nên việc buôn bán, đi lại của người dân cũng có phần hạn chế. Hơn nữa, chợ mới lại nằm cách xa khu dân cư nên điều kiện giao thong chưa thuận tiện. Anh Hồng Giang cũng tâm sư: “Chúng tôi luôn mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện để giao thông giữa khu vực dân cư và chợ được dễ dàng hơn. Và tôi cũng mong sẽ có nhiều hơn nữa những tuyến xe bus của nhà nước nối với chợ để việc buôn bán của bà con được thuận tiện hơn”.

“Chợ Việt Nam” giữa đất Nga vẫn đã và đang phát triển hơn nữa sau nhiều thăng trầm của năm cũ. Ý chí kiên cường, sự cần cù, đoàn kết gắn bó của cộng đồng Việt đã giúp họ có được những thành công ngày hôm nay. Mong cho những ước mơ, mong muốn của bà con sẽ thành hiện thực, để cộng đồng người Việt tại đây sẽ càng ngày trở nên vững mạnh, có những đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước. /.

Theo Thu Hường-Trần Lệ/Baonga.com



Phản hồi

Các tin/bài khác