Những ngôi trường của tình đoàn kết

(VOV5)- Việc duy trì và phát triển những trường học dành cho con em người Việt ở tỉnh Savanakhet, CHDCND Lào được Hội người Việt Nam ở đây rất quan tâm. Thực tế ở Savanakhet vẫn còn nhiều gia đình khó khăn về kinh tế, nhưng nhà trường luôn tìm biện pháp tạo điều kiện giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, đồng thời không ngừng bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học.

Những ngôi trường của tình đoàn kết - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây


Thị xã Savanakhet, thủ phủ miền trung và hạ Lào, nằm hiền hòa bên dòng Mekong. Ấn tượng đầu tiên khi mọi người đến đây là gặp một ngôi trường của người Việt to rộng, bề thế ngay trung tâm thị xã mang tên Thống Nhất. Để chuẩn bị cho con em Việt kiều có vốn tiếng Việt theo học những chương trình đại học ở quê nhà, Hội Việt kiều ở Savanakhet có hẳn một chiến lược đào tạo từ nhỏ. Trường tiểu học Thống Nhất đang là mái trường gieo hạt ươm mầm như thế. Ngôi trường tọa lạc ở đường Sivavangvong. Để có ngôi trường này là cả một nỗ lực lớn lao của cộng đồng Việt kiều. Hội người Việt ở Savanakhet đã phải bán ngôi nhà của hội ở Huế và kêu gọi bà con ủng hộ thêm. Cô giáo hiệu trưởng Hứa Thị Ngọc Huệ gốc người Cần Thơ. Bố mẹ chị từ Việt Nam lưu lạc sang Lào, sau đó đến Savanakhet và sinh chị ở đó. Chị khởi đầu nghề giáo tại trường mẫu giáo Lạc Hồng cũng ngay tại trung tâm thị xã. Chị Huệ nhớ lại: Sau khi tốt nghiệp tôi tình nguyện xung phong dạy Tiếng Việt cho con em Việt kiều. Mười năm tôi dạy ở mẫu giáo, sau đó nhà trường đưa tôi đi bồi dưỡng để dạy cấp 1. Tôi dạy cấp 1 được 8 năm thì được mời làm hiệu trưởng của trường.

Bây giờ trường tiểu học Thống Nhất có mười lớp với hơn 300 học sinh. Chương trình học theo giáo trình của Bộ Giáo dục Lào, nhưng phần tiếng Việt được nâng cao hơn, từ 8-18 tiết mỗi tuần tùy khối lớp. Các học sinh gốc Việt ở đây được học tiếng Việt từ nhỏ ở gia đình, rồi học ở trường mẫu giáo, tiếp đến năm năm tiểu học nên hầu hết đều nói tốt tiếng mẹ đẻ. Với những học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chị Huệ luôn quan tâm vận động cộng đồng và nhà trường tham gia trợ giúp các em một cách cụ thể và thiết thực: Chúng tôi đến các nhà doanh nghiệp, đề nghị các bác ấy giúp cho về kinh phí. Vừa rồi hội người VN còn tổ chức một buổi giao lưu văn nghệ, kết hợp với nhà trường xây dựng các tổ khuyến học. Hội Việt kiều sẽ giúp cho gia đình khó khăn đó có công ăn việc làm. Về sách vở thì nhà trường vận động bà con hảo tâm giúp cho áo quần, sách  vở, học phí…

Ngoài tám giáo viên người Việt được tăng cường sang theo thỏa thuận của Hội Việt kiều Savanakhet và Sở Giáo dục tỉnh Quảng Trị, còn có một số giáo viên đi theo chương trình tăng cường của Bộ Giáo dục Việt Nam. Các thầy cô giáo đều bảo không có gì phải phàn nàn về việc dạy học, điều kiện sinh hoạt ở đây, duy chỉ thèm sách báo tiếng Việt, phải lâu lâu mới có. Bà con người Việt ở Savanakhet rất mong muốn Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ kiều bào nhiều hơn nữa trong chương trình dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều, đặc biệt là nâng cao trình độ giáo viên, cập nhật sách giáo khoa mới….Cô giáo Nguyễn Tú Nhi, phụ trách văn hoá-giáo dục của Hội người Việt ở Savanakhet cho biết: Sau khi tôi đi huấn luỵên ở Cửa Lò về thì bác chủ tịch Hội giao nhiệm vụ tổ chức lớp học tiếng Việt nghe nói, sau đó một thời gian là đọc viết. Con em Việt kiều hưởng ứng rất nhiều. Kiều bào rất ủng hộ cho con em đi học để biết tiếng Việt.

Theo quy định của Bộ Giáo dục Lào, mỗi tuần có 2 tiết tiếng Việt, nhưng trường tiểu học Thống Nhất đã chủ động đề nghị tăng lên 10 tiết để đáp ứng nhu cầu rèn chữ, rèn đọc của học sinh...Không chỉ trăn trở với việc làm sao dạy các cháu học sinh nói và viết tiếng Việt thật tốt, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá để giáo dục truyền thống văn hoá Việt cho học sinh, như tổ chức thi đố vui, thi đọc thành ngữ, tục ngữ, kể chuyện dân gian, sinh hoạt đội Sao đỏ…qua đó, các em học sinh càng có nhiều cơ hội thực hành tiếng Việt tốt hơn. Cô giáo hiệu trưởng Hứa Thị Ngọc Huệ tâm sự: Tôi về kỳ này, những bài học những gì tôi tiếp thu được ở đây, tôi phải về truyền đạt lại cho con em mình, cho các cháu hướng về đất nước mình, để các cháu hãnh diện nói được tiếng Việt. Mình là người Việt Nam cơ mà. Người Việt mà không nói được tiếng Việt thì lòng tôi rất day dứt, tôi cảm thấy như có tội. Nhiệm vụ này rất nặng. Nguyện vọng của tôi là các cháu nói tiếng Việt trong sáng hơn.

Ở Savanakhet hiện đã có thêm nhiều trung tâm tiếng Việt thu hút rất đông người theo học. Ngoài trường tiểu học Thống Nhất còn có thêm trường mẫu giáo, tiểu học mang tên Lạc Hồng, Nguyễn Trãi ở thị trấn Sênô, hay trường mẫu giáo Hoàng Oanh của một Việt kiều. Có hơn 3.000 bà con Việt kiều đang sinh sống nơi đây, mỗi người là một đại sứ của ngôn ngữ Việt. Savanakhet còn có nhiều người như chị Hứa Thị Ngọc Huệ, tận tụy theo đuổi một công việc gian nan là truyền dạy tiếng Việt cho con em người Việt trên đất Lào. Tiếng Việt, nhờ vậy mà có sức sống lâu bền suốt nhiều thế hệ. Đó là ngôn ngữ của tình đoàn kết, keo sơn, gắn bó máu thịt, không dễ nơi đâu cũng có được./.

Phản hồi

Các tin/bài khác