Nuôi gà trên đất Mỹ - làm giàu không khó
Phạm Huân, Vũ Hợp/VOV-Mỹ -  
(VOV5) - Anh Đường Công Tuấn, chủ nhân của một trại gà tại miền đông nước Mỹ, là một người Việt khá thành đạt tại Mỹ. Năm mới nói chuyện con Gà, anh Tuấn cho biết, mô hình chăn nuôi gà kiểu Mỹ đã đem lại cho anh nhiều thành công và nhờ có con gà mà anh được như ngày hôm nay.
|
Những con gà mới nở được nuôi trong trại gà của anh Tuấn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chúng tôi tới thăm trang trại gà của anh Tuấn bên một bìa rừng tại vùng giáp ranh giữa bang Ma-ri-len (Maryland) và Đê-la-oe (Delaware), cách thủ đô Oa-sing-tơn gần 3 tiếng lái xe. Đường đi vào trại gà khá vắng vẻ, hầu như không có xe cộ đi lại, giống như đi vào khu nông thôn nước Mỹ. Chúng tôi gặp anh Tuấn ngay tại trại gà, chỉ cách nhà anh khoảng 50m.
|
Cổng vào trại gà của anh Tuấn |
Trại gà của anh gồm 4 khu chuồng, mỗi khu khoảng 2,800m2 nằm trên một khu đất trống khá rộng, đủ để có thể xây thêm 4 đến 5 khu chuồng nữa. Anh Tuấn kể anh đến với nghề chăn nuôi gà một cách khá tình cờ cách đây khoảng gần 10 năm. "Trước đây tôi đã làm nail 24 năm. Trong một dịp tình cờ, tại một party, gặp 1 người ban 26 năm không gặp, anh bạn bảo làm gà và tôi nghe cũng hay và thăm anh ta và tìm hiểu. sau khi tìm hiểu thì tôi thích, tôi về bàn với vợ và gia đình và đi theo nghề này và 4 năm sau tôi mới đi vào nghề này” - anh Tuấn nhớ lại.
|
Các khu chuồng gà |
Anh Tuấn khởi nghiệp bằng một trại gà mua lại của một người Hàn Quốc cùng gần nửa triệu đô la từ vốn vay ưu đãi của ngân hàng từ năm 2011. Chỉ cần 20% vốn tự có cùng hợp đồng nuôi gà cho công ty, anh đã có thể vay ngân hàng toàn bộ phần vốn đầu tư còn lại mà không cần phải thế chấp tài sản. Vạn sự khởi đầu nan, anh Tuấn không có một chút kinh nghiệm nào trong việc chăn nuôi gà cũng như công nghệ chăm sóc gà. Có những lúc tưởng chừng đã buông xuôi do quá nản và vất vả nhưng với sự động viên của gia đình, anh đã từng bước tìm tòi, đúc kết kinh nghiệm qua những vấn đề gặp phải và dần dần nắm bắt được mọi kiến thức cần thiết.
|
Anh Tuấn giải thích quy trình tự động hóa chăm sóc gà |
“Trở ngại đầu tiên đó là tôi ko biết ai làm nghề gà này ở thành phố này, tôi phải tự mày mò và tự tìm hiểu, có gì ko biết lại lên mạng hỏi. Sau 6 tháng sau tôi gặp được cộng đồng người Việt tại đây và họ chỉ cho tôi những gì không biết. Cái khó khăn ban đầu của tôi là tôi không biết gì về gà và máy tính, gà ăn làm sao, vui vẻ và khỏe hay không thì tôi không biết, tôi không làm nông nghiệp nên chuyện gì cũng khó khăn. Nhưng vì có gia đình nên chuyện gì tôi cũng vượt qua được” - anh Tuấn nói.
|
Anh Tuấn giải thích quy trình chăn nuôi gà |
Các công ty chăn nuôi lớn tại Mỹ thường thuê các hộ gia đình chăn nuôi, chăm sóc gà. Trừ cơ sở hạ tầng như nhà xưởng và thiết bị kỹ thuật do cá nhân tự đầu tư công ty sẽ cung cấp toàn bộ nguyên liệu đầu vào, từ con giống, thức ăn cho đến thuốc phòng bệnh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người nuôi chỉ việc chăm sóc và nhận thù lao. Mỗi lứa gà anh Tuấn nuôi khoảng 120 nghìn con và thường chỉ sau 7 tuần là đã được xuất chuồng. Trừ thời gian ban đầu vất vả do thiếu kinh nghiệm, tới nay mọi việc đã nhàn hơn rất nhiều vì mọi quy trình đều đã được đặt tự động sẵn.
|
Mọi công đoạn đều được tự động hóa |
Anh cho biết: “Quy trình chăm sóc gà thì tất cả đều do máy tính điều khiển trong chuồng gà của mình, điều chỉnh nước, thức ăn và nhiệt độ và thông gió. Mọi thông tin trong máy tính đều báo về điện thoại cho mình do đó từ nhà mình có thể biết con gà nó sinh hoạt thế nào, có vui vẻ, thoải mái hay không. Rồi khi mình đi đâu thì mình connect vào phone của mình, kể cả mình ở VN hay bất kỳ đâu mình cũng có thể biết gà của mình có hoạt động bình thường hay không. Đấy là nhiệm vụ của các máy tính này là như vậy. Với cái chuồng gà như vậy thì chỉ cần 1 người làm việc trọn giờ là có thể điều khiển được và 8 chuồng thì chỉ cần 2 người là có thể đảm nhiệm được. Hãng gà bắt buộc mình phải có cái máy này để điều khiển con gà trong chuồng. Đây gọi là công nghệ cao”.
|
Anh Tuấn và phóng viên trong khu chuồng gà |
Theo anh Tuấn, việc chăm sóc, chăn nuôi gà đều phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt từ việc cho ăn, uống, nhiệt độ điều hòa, cho tới thiết bị bảo hộ lao động, khử trùng, và phòng tránh dịch bệnh. “Mỗi tuần, hãng có kỹ sư tới kiểm tra xem tôi có làm đúng quy trình không và những gì sai thì họ sẽ chỉ cho tôi biết. Nếu mình cứ làm sai năm này qua năm khác thì họ sẽ không làm việc với mình nữa. Nói đúng là họ hỗ trợ mình chứ không phải giám sát. Mình và công ty cùng nhau làm việc”.
|
Anh Tuấn và phóng viên trước khu nuôi gà |
Chăn nuôi gà trong 6 năm qua, với thu nhập từ 300-350 nghìn đô la mỗi năm, anh Tuấn cho biết với mô hình này chỉ cần 10-15 năm là có thể thu hồi vốn đầu tư ban đầu và cho thu nhập tương đối cao và ổn định. Anh chia sẻ: “Sáu năm qua thì tôi thấy quyết định của tôi là đúng, tôi rất muốn mở thêm nhiều trang trại như thế này nữa nếu tôi có sức lực, Trong năm con gà này, tôi phải hoàn thành xây thêm 4 chuồng gà nữa. Tôi phải phấn đấu có nhiều gà đẻ ra. Tôi muốn con gà khỏe mạnh, mọi người ăn gà hàng ngày, tôi sẽ nuôi và phát triển nhiều nữa, mọi chuyện sẽ suôn sẻ với con gà vàng này”.
|
Mọi công việc sửa chữa đều được anh Tuấn thực hiện một mình |
Không chỉ đặt mục tiêu xây thêm 4 khu chuồng gà trong năm Đinh Dậu 2017, anh Tuấn còn luôn ấp ủ suy nghĩ làm thế nào có thể đưa mô hình chăn nuôi gà của Mỹ về Việt Nam để giúp bà con nông dân tăng cường năng suất và nâng cao thu nhập, góp phần làm giàu cho đất nước.
Phạm Huân, Vũ Hợp/VOV-Mỹ