Quốc đảo Calédonia- xa mà gần

Quốc đảo Calédonia- xa mà gần - ảnh 1


(VOV5) Giữa tháng 8 năm nay, với sự quan tâm của vợ chồng em trai, tôi cùng hai con được trở về Quốc đảo Calédonia (còn gọi là  Nouvelle-Calédonie hoặc Tân thế giới) sau mấy chục năm xa cách. Từ sân bay Tân Sơn Nhất, sau hơn 8 giờ bay – chưa kể 4 giờ transit tại sân bay Osaka (Nhật Bản), lúc nửa đêm chúng tôi tới sân bay Tontouta, cách Nouméa, thủ phủ  Nouvelle-Calédonie khoảng 40km. Đặt chân xuống mảnh đất xưa, nơi in dấu bao kỷ niệm thời thơ ấu, trong tôi trào dâng niềm xúc động vô biên. Nouméa-thành phố Cảng đây rồi mà ngỡ như mơ! Chỉ vài hôm nữa thôi, tôi lại được về nơi chôn nhau cắt rốn ở một làng Việt miền sơn cước xa xôi – mỏ Tiébaghi thân thương! Thầm cảm ơn các em đã cho tôi cơ hội này. Chị em, cô cháu mừng tủi ôm hôn nhau rồi ra xe phóng một mạch về nhà, thưởng thức món cua luộc và tôm hùm nóng hổi đang chờ sẵn.


Chiếc xe băng qua những khu rừng bạt ngàn cây cỏ và rào chắn các trang trại nuôi bò. Nouméa trong đêm đông nhưng nhiệt độ vẫn lý tưởng, giao động từ 18-22 độ C. Đường xá nơi này không thênh thang, tráng lệ, sầm uất như ở Paris, nhưng láng bóng, mịn màng, sạch sẽ và tĩnh lặng. Em tôi bảo, dân xứ này ít ra đường dạo chơi, hay ăn đêm ngoài phố như ở nhiều nước, họ thường tụ tập, vui chơi trong các sàn nhảy hoặc Casino.

       Ký ức thẳm sâu

Nouvelle Clédonie thuộc vùng đảo phía Nam Thái Bình Dương, có nguồn gốc lâu đời, chiều dài khoảng 400 km, rộng 50 km, là nước đa sắc tộc với 240.000 dân, trong đó người bản xứ (Kanak) chiếm 42,5%, nguời da trắng gốc Âu chiếm 37%, số còn lại là các sắc tộc khác, trong đó người Việt Nam chiếm 1,6% dân số. Mảnh đất này trong suốt thế kỷ qua đã chứng kiến cảnh ly hương và hồi hương đầy nước mắt của những người Việt Nam xa xứ.


Quốc đảo Calédonia- xa mà gần - ảnh 2

Năm 1853, người Pháp chiếm nơi này làm thuộc địa, đặt tên Nouvelle Calédonie. Từ 1864 đến 1895 đây là nơi lưu đày biệt xứ tội phạm, trong đó có nhiều chiến sĩ  Công Xã Pa-ri và tù nhân chuyển từ Côn Đảo sang. Đặc biệt, năm 1914 tiếp nhận 9 phạm nhân người Việt Nam tham gia vụ  ném lựu đạn vào khách sạn Hanoi Hotel ở  phố Tràng Tiền, Hà Nội, giết chết hai thiếu tá Pháp Chapuis và Montgrand. Để khai thác khoáng sản, chính quyền địa phương tuyển mộ lao động từ các nước thuộc địa, trong đó, có Việt Nam với số đông  từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Những năm 1920-1940 đã có hơn 20.000 người Việt Nam đang độ thanh xuân đã từ các vùng quê Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định… sang đây tìm kế sinh nhai với hợp đồng 5 năm. Trong số đó có ba má tôi, quê ở Gia Viễn – Ninh Bình.

Sau hơn 20 ngày lênh đênh trên những vùng biển lạ, chủ Pháp đưa những dân phu ấy (còn gọi là “chân đăng”) về các mỏ và đồn điền. Và Tiébaghi trở thành nơi khai thác crôm đầu tiên, lớn nhất ở quần đảo này, thường xuyên có  1200 đến 1500 nguời làm việc. Có cụ «chân đăng», nay ở tuổi 95  kể:  Đến vùng đất non xanh, núi đỏ, trơ các vách đá này, đàn ông cũng như phụ nữ phải chia nhau làm quần quật 3 ca/ ngày như những tù khổ sai. Họ phải treo nguời trên các vách đá nổ mìn đào đất làm những đường hầm xuyên núi, phơi mình dưới cái nắng đổ lửa của vùng đất hoang vu để làm đường sá, xây từng bậc thang từ thung lũng lên những triền núi cao, làm Nhà thương, trường học, câu lạc bộ, nhà ở của chủ mỏ, cửa hàng tạp hóa và tự làm nhà cho mình bằng những vật liệu đơn sơ: mái tôn, vách đất… để mưu sinh. Tưởng chỉ làm việc 5 năm theo hợp đồng với Pháp rồi trở về quê hương, ai dè, nước nhà chưa độc lập và phía Pháp trì hoãn, nên họ phải xa xứ  hàng thập kỷ mới được hồi hương, có người đã vĩnh viễn nằm lại nơi này…


Quốc đảo Calédonia- xa mà gần - ảnh 3

      Mái nhà xưa đâu còn!

Biết chúng tôi từ Việt Nam sang đang khát khao trở về Tiébaghi tìm lại mái nhà xưa, nhiều anh chị em Việt Kiều, con cháu người «chân đăng»,(còn gọi là thế hệ “Niaouli”) đã tập hợp lại  gần  20 người, cùng chúng tôi thực hiện cuộc hành trình. Rời Nouméa vào lúc 13 giờ, xe ô tô đưa chúng tôi qua các vùng “rừng” : Dumbéa, Koné, Koumac… Gọi là rừng nhưng đường được trải nhựa bằng phẳng, êm thuận. Hai bên đường là rừng cây và đồng cỏ bạt ngàn với những chú bò mập ú. Tại các thị tứ có các cây xăng, cửa hàng tạp hóa bày bán đủ thứ. Dân ở các tỉnh phần lớn là người Kanak sinh sống bằng nghề trồng rau quả, đánh bắt hải sản… Tới Koumac vào lúc chạng vạng tối, Đoàn chúng tôi nghỉ lại nhà gia đình anh Kim, một nguời Việt khá thành đạt, sống như “ ông vua, bà chúa trong rừng” với nhà cửa khang trang, siêu thị nhỏ, nhà nghỉ cho thuê…, đặc biệt với tính tình phóng khoáng, nhân hậụ, gia đình anh được những người hàng xóm Kanak rất mến yêu.

Sáng hôm sau, chúng tôi khởi hành sớm tới biển Paagoumène – cửa ngõ vào vùng mỏ Tiébaghi.  Làm sao tả hết nỗi xúc động nghẹn lòng khi tôi được đặt chân lên vùng đất đỏ quen thuộc ngày xưa, ngắm biển xanh mênh mông gợn sóng, xa xa là núi non trùng điệp với những hình hài quen thuộc; ngôi trường xưa với khoảng sân rộng và những cây thông cao vút, những bậc đá lên xuống mỏi chân mỗi khi từ nhà tới trường, nhà thờ Đức Bà thường đến dâng hoa, Câu lạc bộ của mỏ thường đến xem phim và nhận quà vào dịp Noel, cửa hàng tạp hóa…Xúc động, nhớ thương trào nước mắt khi tần ngần ngắm những chiếc goòng chở crôm đã hoen dỉ với thời gian, ngôi nhà đèn giờ đã rêu phong, nơi ba tôi và các phu mỏ thường tới nộp thẻ, nhận đồ nghề trước khi xuống hầm sâu khai thác crôm và trả lại sau mỗi ca làm việc.

Len lỏi trong trong khu rừng rậm đầy cỏ gai, lau lác, chúng tôi tới ngôi làng Việt, tìm về mái nhà xưa mà từng bậc thềm, vườn rau, cây quả… còn in đậm trong tâm trí. Nhưng cùng với thời gian, ngôi làng Việt đã trở thành vùng đất hoang phế và dẫu đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt vẫn không thấy bóng dáng ngôi nhà tuổi thơ, chỉ còn lại một vùng trũng với cây cối um tùm, những tấm tôn và vật dụng phiêu dạt đó đây...



Quốc đảo Calédonia- xa mà gần - ảnh 4

Từ chuyến tàu đầu tiên đưa nguời Việt Nam hồi hương (cuối năm 1960) đến chuyến cuối cùng (đầu năm 1964)  đã có hơn 3000 người Việt Nam ở  Tân thế giới được cặp bến Hải Phòng và khu mỏ này đã đóng cửa. Một ông Kanak già trên 85 tuổi còn sống ở đây, kể: Phu mỏ Việt Nam làm việc vất vả với đồng lương ít ỏi, có khi đau ốm không được nghỉ, sểnh một chút là bị cai đánh đập dã man, cúp lương. Họ không được gọi bằng tên mà bằng số thẻ hợp đồng; con số này cũng không gọi hết, mà chỉ gọi bằng 2 số cuối cùng. Ví dụ người mang số 1027 chỉ đuợc gọi là 27. Nguời Việt Nam ở đây sống chân tình, cởi mở, ăn cơm, uống rượu với chúng tôi luôn. Bây giờ họ về quê hết, số người còn lại ra thành phố  làm ăn, tôi nhớ họ lắm!

Ngôi làng Việt ấm áp và vùng mỏ Tiébaghi sôi động ngày nào giờ chỉ là khu bảo tồn với một số công trình công cộng được trùng tu lại, những vật dụng, những tấm hình của người phu mỏ…được lưu giữ trong một ngôi nhà (vốn là cửa hàng bán tạp hóa Ballande) để người đời nhớ về những người Việt «chân đăng» xa xứ đã hy sinh cả tuổi trẻ và xuơng máu cho mảnh đất xa lạ này vì một khát vọng sống và nhu cầu hạnh phúc.

  Người Việt Nam ở Tân thế giới bây giờ

Em tôi làm nghề bán hàng ăn nhanh trên xe (từ 16 đến 23h hàng ngày) do chính quyền Nouméa sắp xếp tại một điểm cố định trong thành phố, nên ngay sáng sớm hôm tới thủ phủ này, chúng tôi đã cùng em dâu ra chợ Việt mua thực phẩm về nấu nướng.Tuy là chợ, nhưng ở đây thật sạch sẽ, ngăn nắp với các ngành hàng, không có mùi hôi, ngay cả gian hàng bán tôm, cá.  Gọi là chợ Việt vì ở đây có nhiều người Việt Nam nói tiếng Việt và buôn bán đủ các loại rau quả, thực phẩm mang đậm bản sắc Việt: khoai môn, dưa cà, hành tỏi, rau mùi, thìa là, chả cuốn, bánh trưng, vú sữa… Nhiều người Việt tới đây, ngoài nhu cầu mua bán còn là dịp để gặp gỡ, tâm giao…Hiện có 3, 4 thế hệ  người Việt Nam sống ở xứ này là: «chân đăng» (còn rất ít, với tuổi đời 93 trở lên); thế hệ thứ 2 là Niaouli (con của người «chân đăng») và thế hệ thứ 3 (con của người Niaouli)… Họ sống ở Nouméa với đủ nghề: bán tạp hóa, thực phẩm, cửa hàng ăn uống, may mặc, kinh doanh ở chợ. Nhiều người sống ở ngoại ô có các trang trại lớn trồng rau, chăn nuôi gia cầm, gia súc… Bà Tiêu, chủ một trang trại lớn trồng rau quả, chăn nuôi gia súc hơn 20 năm nay, nuôi 11 người con khôn lớn. Cô Juliette, người Kanak, làm việc trong trang trại của bà nhiều năm nay, bộc bạch: “ Tôi rất bằng lòng khi làm việc với người Việt Nam. Họ luôn hòa nhã, thân thiện với chúng tôi.” Dù làm việc gì, nguồn gốc ở đâu, người Việt Nam cũng rất chăm chỉ, chịu khó, sống đôn hậu, hòa đồng với mọị sắc tộc, nên đã tạo lập được cuộc sống sung túc, dễ chịu, chỉ đứng sau người Pháp gốc Âu. Chẳng nói đâu xa, em dâu tôi rất xinh xắn, vốn là nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam với nhiều vai diễn nổi tiếng; khi theo chồng sang Nouméa làm ăn, cô còn đem theo chiếc nón quai thao làm kỷ vật; vậy mà bây giờ lại thành bà chủ nấu nướng thành thạo, biết chế biến nhiều món ngon, ăn khách. Cuộc sống của gia đình khá dư dả, các em thường gửi tiền, giúp đỡ gia đình ở quê nhà. Thế hệ thứ 3, thứ 4 được học hành bài bản nên thành đạt hơn, có giáo sư, bác sĩ, kỹ sư…Nhiều cháu đang làm ở các cơ quan Nhà nuớc hoặc Ngân hàng, Hàng không, Bưu điện…

Nguời Việt Nam dù  ở phương trời nào, làm nghề gì vẫn nhớ về Tổ quốc. Ngay ở Tân thế giới xa xôi, thế hệ Niaouli cũng đau đáu nhớ về quê cha, đất tổ. Nhiều nhà vẫn treo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ. Họ thường ra chợ Việt mua bán, thăm hỏi nhau, hoặc tổ chức họp mặt, hát múa trong các ngày Lễ Tết, đặc biệt là Tết nguyên đán. Còn nhớ, khi nghe tin nước nhà được độc lập năm 1945, các cụ «chân đăng» ở mỏ Tiébaghi và nhiều nơi khác trên đảo đã cùng nhau đóng góp tiền của, gửi về kiến thiết đất nước. Còn cánh Niaouli bây giờ, như anh Đức, Hội Việt Kiều tại Hà Nội cho biết, trong năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm chuyến tầu hồi hương thứ nhất, Việt Kiều Tân  thế giới đã dựng phim ghi lại hình ảnh những cụ «chân đăng» cuối cùng còn sống trên quê hương và quyên góp được 9.000 USD gửi biếu 34 cụ đang sống ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng,  Hải Dương, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.


Quốc đảo Calédonia- xa mà gần - ảnh 5

  
Cửa vào  thiên đường du lịch

Thật là thiếu sót khi nói về Tân thế giới lại không kể về nét độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho xứ sở này; đó là vẻ đẹp tuyệt vời, khí hậu lý tưởng, môi trường sinh thái trong lành. Quốc đảo này không chỉ nổi tiếng với những mỏ niken khổng lồ, chiếm tới 25% trữ lượng niken toàn thế giới mà còn bởi vẻ đẹp thần tiên, rất đỗi hoang sơ, nhất là phía Bắc đảo. Một nữ văn sĩ Nhật Bản khi tới đây đã ví là hòn ngọc Thái Bình Dương, là cửa vào thiên đường du lịch. Anh Tình, bạn tôi kể: Xứ này có trên 4.000 loài cây (trong đó có khoảng 2.400 loài độc nhất vô nhị). Loài cây chiếm tỷ lệ nhiều nhất là Niaouli (thuộc họ chàm) nên nguời ta thường gọi thế hệ người Việt thứ 2 sinh ra ở đảo này là “dân Niaouli”. Bờ đông của đảo khí hậu quanh năm ẩm uớt, thuận lợi cho các loài cây cỏ sinh sôi; cây dương sỉ bên các bờ suối cao nhất thế giới với 24 m. Để bảo vệ rừng cây quý hiếm, phủ xanh đảo, Chính phủ xứ này khuyến khích cư dân săn bắn hươu (mỗi hàm hươu khi giao nộp được thưởng 50 USD), vì thế,  dân các nuớc lân cận đua nhau sang đây săn bắn, vừa thỏa thú vui khám phá, vừa có tiền. Ngoài các khu rừng nhiệt đới, bờ biển Hienghène của đảo trải dài, đẹp như mơ với những mô đá dựng đứng đủ các hình hài, màu sắc và thay đổi theo ánh sáng mặt trời. Phía cực nam cách đảo 90km có thắng cảnh nổi tiếng Ile des Pins với bãi cát trắng trải dài, tô điểm bởi những rừng thông xanh ngút ngàn, được ví là hòn ngọc Thái Bình Dương quả không ngoa.. Vùng san hô của đảo (lớn thứ 2 sau nước Úc) đa dạng về chủng loại và mầu sắc, được xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới, được kết thành hàng rào chắn quanh đảo, là nơi lý tưởng cho các loài cá trú ngụ và hấp dẫn cánh thợ lặn. Chính phủ cũng có cơ chế khuyến khích họ đánh bắt các loài hải sản ăn hại san hô. Có  những vùng cấm đánh bắt cá, cua lột hoặc cua lớn đến cỡ nào mới được đánh bắt để bảo vệ đa dạng sinh học biển. Điều này, được người dân bản sứ tự giác thực hiện.

Nếu như các miền của đảo có vẻ đẹp thần tiên, hoang sơ gần gũi với thiên nhiên thì thủ phủ Nouméa lại thanh lịch với lối kiến trúc độc đáo, phù hợp với địa hình các triền núi và hài hòa với quang cảnh thiên nhiên. Ở đây hiếm thấy những ngôi nhà đồ sộ, cao tầng với bê tông, cốt thép; thay vào  đó là những mái nhà xây thấp tầng, lợp bằng tôn màu sáng, nâu hoặc đỏ. Trong xây dựng, mọi người phải tuân thủ quy hoạch về  tầm cao, độ dốc. Nhà nọ phải cách nhà kia ít nhất 3 m để có khoảng không trồng cây xanh. Các ngôi nhà phải có hệ thống cống lọc nước, lọc mỡ trước khi thải ra môi trường. Nếu vi phạm các quy định trong xây dựng sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí buộc phải rỡ bỏ. Chính vì thế, thủ phủ Nouméa nổi tiếng với lối kiến trúc tao nhã, thanh lịch, hài hòa với cảnh quan, thiên nhiên; trong lành về môi trường sinh thái, được tô điểm bởi những công trình kiến trúc, đường phố và những thắng cảnh hấp dẫn: Nhà thờ Saint Joseph, Place des Cocotiers, bãi tắm Baie des Citrons, Anse Vata, Ilot Maître… Tân Thế giới đẹp và hấp dẫn là thế nhưng ngành du lịch nuớc này chưa phát triển do giá quá đắt đỏ, chỉ những khách du lịch giàu sang, nhất là Nhật Bản mới tới đây du ngoạn, thưởng thức các đặc sản vùng biển và nên văn hóa đa sắc tộc.

Với tôi, Nouvelle Calédonie tuy xa xôi nhưng mãi mãi gần gũi, thân thương trong ký ức thẳm sâu.

                                               Thu Nga

 

Phản hồi

Hoàng long

Xin chào mọi người và tác giả bài viết tôi muốn sang hòn đảo tân thế giới này một lần... Xem thêm

Trân thế quang

Tôi có ông họ là em trai ông nội tôi tên là Trần Thế Phàm, ông sinh khoảng năm đầu thế kỷ 20... Xem thêm

Nguyễn Công Tài

Xin chào, cháu là người Hải Phòng, có cụ nội bị Pháp bắt giam và mất tại đây. Có giấy báo tử gửi về.... Xem thêm

Luân

Tôi muốn tìm người thân đang sống tại tân đảo mà kg biết hỏi ai để có cách tìm vậy ai... Xem thêm

Phi Ngoc Anh

Tôi có ông nội bị Pháp bắt đi khoảng năm 1947 và mất tích đến nay, không biết ông tôi có bị đưa sang đây không?... Xem thêm

Các tin/bài khác