Trở về để cảm nhận và viết

Trở về để cảm nhận và viết

Vốn đam mê nghiệp văn chương, nhưng vì cuộc sống ưu sinh nơi đất khách nên tác giả Thế Dũng ở CHLB Đức cũng đã có một thời gian dài vất vả mưu sinh bằng nhiều nghề để có thể theo đuổi niềm đam mê của mình. Ông đã cộng cảm với những mảnh đời, những thân phận của người Việt xa quê để trải lòng…. Và với ông, mỗi lần trở về quê nhà cũng là những lần để ông cảm nhận và viết

 Trở về để cảm nhận và viết - ảnh 1 Nhà văn Thế Dũng, tên thật là Vũ Thế Dũng
Sinh năm 1954 tại Hải Dương
Nhập ngũ từ năm 1971, nguyên là lính lái xe
Tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học sư phạm Hà Nội ( 1976 -1980)
Năm 1994 làm Trưởng tiểu ban Lý luận phê bình- Hội VHNT tỉnh Hải Hưng ( cũ)
Năm 1989 cho tới nay sống tại Berlin ( CHLB Đức)
Từ năm 2001, là Hội viên Trung tâm Văn Bút CH LB Đức 

Nỗi niềm những ngày xa
Cũng như nhiều người Việt xa quê với nhiều lý do chủ quan, khách quan do tình cờ của lịch sử, ông Thế Dũng đã đến và định cư ở Đức từ năm 1989. Khi mới sang, ông làm công nhân của nhà máy Phanh Cộng hòa Dân chủ Đức lúc bấy giờ. Không chỉ có thế, những năm tháng sống ở nơi xa xứ, ông đã phải trải qua nhiều công việc để tự mưu sinh như: làm công nhân vệ sinh trong các toa tàu, công sở, bán hàng... Khi vốn tiếng Đức đủ để ông tự tin hội nhập ở nước sở tại, ông đã vào làm việc trong các Trung tâm tư vấn cho người nước ngoài. Tất cả sự lao động ấy cũng chỉ với một mong ước để có thể nuôi sống con chữ và niềm đam mê văn chương của mình. Ông đã cộng cảm, hóa thân vào nhiều số phận, những mảnh hồn Việt nơi xa xứ để trải lòng.

Ngay từ những ngày còn thơ bé, ông luôn nuôi một khát khao cháy bỏng sẽ trở thành người nổi tiếng trong lĩnh vực văn chương. Những bài thơ đầu tiên ông viết năm 13, 14 tuổi và cũng là những tác phẩm đầu tiên được đăng báo Văn nghệ. Văn chương đối với ông như “nghiệp chướng”, ông như mắc nợ với nó và vì thế, mặc dù trong thời gian đầu khi mới sang Đức định cư, cuộc sống nơi đất lạ còn gặp nhiều khó khăn, không cho phép ông theo đuổi niềm đam mê văn chương, nhưng ngay cả trong thời gian không được sống và làm việc như một nhà văn chuyên nghiệp thì ông cũng vẫn luôn trăn trở, dằn vặt với những con chữ, những mảnh đời, những số phận tha hương, để rồi khi có thời gian, có điều kiện, những suy tưởng ấy lại hiện về, bật ra thành những vần thơ, những bản trường ca và cả những cuốn tiểu thuyết có sức sống, sức lay động và lan tỏa trong lòng bạn đọc.

Tác phẩm được viết ra từ xúc cảm cuộc đời
Từ những năm 1990 cho tới nay nhà văn Thế Dũng đã xuất bản hơn 10 đầu sách, nhiều tác phẩm của ông còn được dịch và phát hành tại Đức. Các tác phẩm chính có thể kể đến: Hoa hồng đến muộn (1990), Người phiêu bạt (1992), Mùa xuân dang dở (2003), Từ Tâm (2005); và 5 tập truyện, tiểu thuyết: Tiếng người trong đá Giáp Sơn (1993), Chuyện tình dang dở (2000), Hộ chiếu buồn (2003), Tình cuộiMột nửa lá số.
(2006). Năm 2010, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây giới thiệu cuốn tiểu thuyết của ông mang tựa đề: Một nửa lá số.

Cuốn Tiểu thuyết này lấy cảm hứng từ bối cảnh ở Việt Nam và con người Việt Nam ở Cộng hòa Liên Bang Đức. Hình ảnh lá số ám ảnh qua các trang viết, với những lý giải về số, với cách phân thân mình thành ba nhân vật tôi, nóhắn, khiến tiểu thuyểt hơi mang màu sắc huyễn hoặc, chân thực và triết lý. Tác giả muốn dùng cấu trúc một lá số tử vi Việt Nam để phản ánh số phận lưu lạc của một thế hệ trí thức thời những năm 80 của thế kỷ trước, mà ông là một trong số đó.

Đọc thơ và tiểu thuyết của ông, người đọc cảm nhận được từ ở đó không hẳn chỉ có nỗi buồn của người xa xứ mà ở đó còn là sự tìm về cái tính từ tâm, bản ngã của con người Việt. Đôi lúc nó là sự giằng xé, muốn vỡ òa ra… tất cả là hơi thở, là nhịp điệu, là những cung bậc tình cảm một người Việt sống xa quê hương. Với ông: “Quê hương trong tâm cảm là trạng thái thường trở đi, trở lại. Mặc dù sống ở nước ngoài hơn 20 năm nhưng cái tâm thế phương Đông, tâm thế của người Việt đã trở thành căn cốt, giống như cái căn cước về tinh thần cố hữu.” Chính vì điều đó làm cho thơ của ông thường có những dự tính liên quan đến nỗi niềm của người Việt. Ông đã viết về Mỵ Châu Trọng Thuỷ, về xứ Đông với những câu thơ chất chứa nỗi niềm ám ảnh với hồn quê:

                             “Giàu giây lát cũng là lời đứt ruột

                              Để tỏ lòng thăm thẳm với hồn quê”

Nhà văn Thế Dũng thuộc dòng lãng mạn – trữ tình lấy cảm xúc làm nền tảng chủ đạo trong các tác phẩm – Đó là cách biểu đạt những tâm trạng, suy tư và tình cảm của một người con xa xứ, luôn hướng trái tim đa cảm của mình về mảnh đất nghèo khó đã nuôi dưỡng tâm hồn ông. Cái ám ảnh quê hương trong thơ ông thật đậm đặc và quê hương dường như không thay đổi trong ông cho dù cuộc sống thay đổi khá nhiều. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển chung và trong sự hội nhập giữa các quốc gia trên thế giới, dưới con mắt và tâm hồn nhạy cảm của một nhà văn ông đã cảm nhận thấy sự thay đổi trong giới trẻ với khái niệm về quê hương. Khái niệm về quê hương cũng dần được nới rộng: quê hương không chỉ là nơi mình đã sinh ra mà là nơi người ta có thể trở đi, trở về; nơi người ta cảm thấy hạnh phúc, yên bình với cuộc sống tự do. Điều đó cũng ít nhiều ảnh hưởng vào trong tư duy, suy nghĩ của ông để rồi ông lại trải lòng mình với những nỗi niềm quê hương ở nhiều cung bậc, trạng thái tình cảm, nhiều sắc màu đa dạng của cuộc sống. Nhưng dù thế nào thì cái hồn quê đậm chất Việt ấy vẫn là cái cốt lõi làm nên một Thế Dũng với những bản ngã của riêng mình.

Trở về để cảm nhận cuộc sống
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, năm nào cũng vậy, dù công việc ở nơi xa xứ có bận rộn đến mấy, nhưng nhà văn Thế Dũng vẫn sắp xếp cho một một khoảng thời gian nhất định để trở về. Với ông, trở về để cảm nhận được sự bình yên sau mỗi sáng thức giấc, được về những miền quê thưởng ngoạn vẻ đẹp của cánh đồng chiều trong những mùa gặt để tận hưởng làn gió trong lành mang theo hương lúa mới và còn rất nhiều điều không thể nói thành lời, ông giữ lại cho riêng mình. Và cứ thế quê hương được ông thẩm thấu rồi trải lòng bằng những vần thơ, những câu chuyện lãng mạn, nhưng chân xác như hời thở của cuộc sống. Ông bảo “Văn chương đối với ông là đời sống, hãy sống hết mình, xả thân vì cuộc sống và rồi hãy dũng cảm thuật lại một cách chân thực tất cả thì người đọc sẽ nhận diện được gương mặt của mình qua những tác phẩm ấy”. Đó là tất cả những gì ông cảm nhận, viết và cũng là lý do khiến ông thường xuyên trở về. Với ông đời sống của đất Mẹ đã cho ông những cảm xúc thực trong tâm hồn, tiếp thêm nguồn nhựa sống để ông có thể viết những gì mình muồn viết, những gì mình nghĩ và cả những khát vọng sống trong đời sống đương đại. Ông bảo:Một nhà văn Việt xa quê, nếu không về, không nắm bắt được hơi thở của quê hương, không hiểu được ngôn ngữ của lớp trẻ, cách ứng xử trong giao tiếp thì không thể viết về quê hương một cách chân thực …

Tuy chưa thể về sinh sống tại quê nhà vì còn những công việc dở dang đang thực hiện ở Cộng hòa Liên Bang Đức, nhưng trong dự tính của mình, ông sẽ trở về để thả bộ ra bờ sông Hồng cuộn đỏ phù sa, để được thong dong nơi phổ cố hay được tận hưởng cái cảm giác se lạnh đầu đông Hà Nội, để được hít đầy lồng ngực làn gió trong lành nồng nàn mùi hoa sữa, để cảm nhận và để viết./.

                                                                                                                              Lệ Chiến

Các tin/bài khác