(VOV5) - Trại hè Việt Nam 2014 dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào đã bước sang tuổi 11. Chủ đề của trại hè năm nay là: “Biển đảo quê hương tôi”. Trong 20 ngày, các thanh niên kiều bào được gặp gỡ giao lưu với nhau và với các sinh viên trong nước, tham quan nhiều danh lam thắng cảnh đẹp để hiểu thêm về quê hương, đất nước Việt Nam.
|
Thanh niên kiều bào tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Chương trình trại hè của những năm đầu tiên chỉ bao gồm vài chục thanh thiếu niên kiều bào tham dự. Đến nay, con số này đã lên tới cả trăm. Năm nay, đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào gồm khoảng 170 bạn của 30 nước tham gia như Cộng hòa Séc, Nga, Ukraine, Ba Lan, Đức, Belarus, Slovakia, Anh, Pháp, Mỹ, v.v… Gặp các bạn ngay trong buổi đầu tập dượt văn nghệ tại Hà Nội, tôi thấy một hình ảnh của thế hệ thanh niên Việt Nam mới, trẻ trung và năng động đang trưởng thành ở nước ngoài. Có bạn nói tiếng Việt thành thạo, có bạn còn ngọng nghịu đôi câu, nhưng tất cả đều mang trong mình tâm hồn hướng về đất nước. Đào Thành Đạt vừa học xong lớp 10 ở Slovakia tỏ ra háo hức trước một chuyến đi có đông thanh niên người Việt như thế này: “Em thấy rất vui khi gặp các bạn, các anh, các chị từ nhiều nơi trên thế giới. Chúng em được làm quen với nhau, hiểu biết về con người, văn hóa ở nhiều quốc gia khác nhau”.
Có ba bài hát gắn bó với các bạn thanh niên trong suốt hành trình, đó là: “Trại hè Việt Nam”, “Khát vọng tuổi trẻ” và “Đất Việt tiếng vọng ngàn đời”. Cậu thanh niên Đỗ Vương Anh, người Việt ở Kiep, Ukraine, đang cầm trên tay lời bài hát: “Khát vọng tuổi trẻ”, tâm sự: cậu đã từng làm hướng dẫn viên du lịch không chuyên trong một chuyến trở về Việt Nam cách đây không lâu. Tuy nhiên, chuyến trại hè này là cơ hội cho Vương Anh tiếp tục học hỏi thêm nhiều điều về đất nước Việt Nam: “Chuyến đi cho mình nhiều cơ hội để mình hiểu biết về văn hóa của Việt Nam mình và cũng rất tốt cho nhiều bạn khác nữa vì nhiều bạn không nói được tiếng Việt. Mục đích lần này về, em muốn tìm hiểu, học hỏi nhiều hơn về văn hóa của dân tộc”.
Tham quan Viện Âm nhạc tại Hà Nội, kho lưu trữ âm nhạc truyền thống lớn nhất Việt Nam, các bạn trẻ được chào đón bằng màn múa cồng chiêng Tây Nguyên đặc sắc. Ngay khi rộn lên tiếng cồng, các đại biểu đồng loạt hò reo đồng thời chụp hình, quay camera. Cũng trong khu trưng bày của bảo tàng các dân tộc Việt Nam, thế hệ trẻ kiều bào được tiếp cận với khá nhiều nhạc cụ dân tộc và văn hóa của các vùng miền trong đó có những di sản phi vật thể được thế giới công nhận như ca trù, hát xoan v.v. Ngô Văn Chung, sinh viên Đại học Y khoa, tại Khác-cốp, Ukraine khá thích thú với một nhạc cụ của người dân Tây Nguyên được trưng bày ở đây: “Nhạc cụ Việt Nam có đặc trưng là đa phần làm bằng gỗ, tre. Tiếng rất đặc trưng, rất Việt Nam. Châu Âu họ thường dùng kim loại lẫn với gỗ. Còn Việt Nam đa phần là mộc, nên cũng tạo nét riêng, nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam”.
Không chỉ được xem các nhạc cụ dân tộc Việt Nam, các bạn trẻ kiều bào còn được ngắm nhìn các bức thư pháp bằng chữ quốc ngữ và thậm chí là tự tay viết thư pháp cho riêng mình. Trần Thị Mỹ Hạnh, sinh viên năm thứ 3, trường Đại học tổng hợp ở Belarus, chọn cho mình hai chữ “Mẹ” và “Bình an”: “Em cảm thấy thư pháp có gì đấy khác biệt. Bố mẹ em rất thích truyền thống văn hóa Việt Nam nên mới đăng ký cho cho em đi trại hè này. Và em mua chữ về tặng bố mẹ, gia đình em. Em mua chữ “mẹ” để tặng mẹ và chữ “bình an” tặng cho cả gia đình”.
Trong khuôn khổ chương trình Trại hè Việt Nam 2014 từ 8/7 - 27/7, các bạn thanh niên kiều bào còn đi dọc theo dải đất ven biển miền Trung nơi có những di tích lịch sử của dân tộc và cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, nên thơ của đất nước. Một chuyến đi bổ ích, lý thú và ý nghĩa đang chờ các bạn trẻ kiều bào./.