Bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình ở cả trong và ngoài nước do không có thời gian nên đã phải mua bánh chưng để dùng trong ba ngày Tết.
|
Gói bánh chưng ở Vientiane. |
Tại Lào, nơi có rất đông người Việt sinh sống, vẫn có nhiều gia đình duy trì việc gói bánh chưng trong những ngày giáp Tết. Gia đình bà Lê Thị Thanh Quy ở thủ đô Vientiane là một trong số đó. Hơn 20 năm nay, cả gia đình bà lại cùng nhau gói bánh chưng để cúng tổ tiên và biếu bạn bè, người thân.
Năm nào cũng vậy, gần đến Tết là các con cháu của bà Lê Thị Thanh Quy- Việt kiều thủ đô Vientiane lại quây quần tại nhà để cùng bà gói bánh chưng, chuẩn bị đón Tết. Sang định cư tại Lào từ năm 1977, để các con được đón Tết theo đúng phong tục với các món ăn truyền thống, bà Quy đã tự học cách gói bánh chưng.
|
Cùng nhau gói bánh chưng để cúng tổ tiên và biếu bạn bè, người thân. |
Những năm đầu do chưa tìm được chỗ mua lá dong nên bà phải lấy lá chuối để gói với số lượng đủ dùng trong gia đình: “Tôi là người Việt Nam, tôi muốn làm theo truyền thống của quê hương, dân tộc. Tôi muốn đón Tết theo phong tục người Việt của mình. Nấu bánh chưng như thế nào, làm mứt như thế nào để cúng ông bà, tổ tiên và cho gia đình mình ăn”.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và dạy các con cách gói bánh, đến nay, không chỉ 4 người con của bà mà cả các con dâu người Lào cũng đã có thể cùng bà gói bánh chưng trong mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Hiện mỗi năm gia đình bà Quy gói khoảng 40-50 chiếc bánh chưng, vừa để dùng trong 3 ngày Tết vừa làm quà tặng bạn bè và người thân ở Vientiane.
Bà Quy chia sẻ: “Gói bánh chưng là tục lệ của dân tộc mình, mình phải dạy cho con mình như vậy mới được. Mình sinh sống ở nước nào không phải là vấn đề nhưng người Việt phải là người Việt, phải giữ gìn được phong tục, lúc nào cũng nghĩ mình là người da vàng, máu đỏ, là người Việt Nam. Không bao giờ có thể quên đi tục lệ của mình được”.
Rọc lá, cắt lá theo khuôn…những công việc này đã trở nên quen thuộc với chị Lê Thị Thanh Bình-con gái bà Quy và các thành viên trong nhà. Là chị gái lớn nhất trong gia đình, từ khi còn nhỏ chị Bình đã được mẹ dạy cách gói bánh chưng. Chính chị cũng là người hướng dẫn các em dâu người Lào cách cắt lá, buộc lạt, chuẩn bị mọi công đoạn để gói bánh chưng.
|
Bánh chưng xanh- món ăn truyền thống khi Tết đến xuân về. |
“Sau này tôi sẽ dạy cho con cái, cháu chắt biết gói bánh chưng để những gì mà bố mẹ đã dạy bảo tôi từ nhỏ tiếp tục được truyền đến con cháu”, chị Bình cho biết.
Thông qua những công việc này, không chỉ giúp cho gia đình Bà Quy cũng như bà con Việt kiều có được một món ăn truyền thống, hợp khẩu vị nhân dịp Tết đến Xuân về, mà đây cũng là để gìn giữ nét văn hóa ẩm thực của quê hương Việt Nam trên đất bạn.
Còn gì đầm ấm hơn khi cả gia đình quây quần bên mâm cỗ tết với giò chả, dưa hành và món bánh chưng xanh truyền thống, cùng nhau hướng về Quê hương đất nước với khát vọng ấm no hạnh phúc khi Xuân đang tới thật gần.