(VOV5)- "Tô Ngọc Vân có một quan điểm rất rộng rãi, và có tầm nhìn xa hơn hẳn những người đương thời cùng ông lúc bấy giờ".
Như chúng tôi đã đưa tin, 380 ký họa được tập hợp, nghiên cứu và phân tích trong cuốn sách "Tô Ngọc Vân, tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906 - 1954". Nhận xét về giá trị tư liệu từ những ký họa của Tô Ngọc Vân trải dài theo thời gian cho đến khi danh họa hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Trong rất nhiều các văn nghệ sĩ đi kháng chiến, thì người phản ánh được rõ số phận của dân tộc lại là một họa sĩ, và phản ánh một cách toàn diện, cho đến chi tiết nhất về xã hội, cảnh vật, thời sự và con người trong cuộc kháng chiến chống Pháp như thế nào”.
|
Thị xã Phú Thọ hoang tàn trong chiến tranh, Tô Ngọc Vân vẽ ngày 3/12/1947 |
Theo giáo sư Chu Hảo, giám đốc NXB Tri thức, nơi ấn hành cuốn sách, "Tô Ngọc Vân, tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906 – 1954”, thì nhà sưu tầm tranh người Thái Tira Vanictheeramont đã “đặt văn hóa cao hơn việc kinh doanh”, để sưu tập ký họa Tô Ngọc Vân và đầu tư cho việc ra đời cuốn sách quý về những bức tranh của danh họa. Trước đó, ông cũng sưu tập tranh của nhiều họa sĩ Việt Nam và cho ra mắt một số những cuốn sách tư liệu.
Nhà sưu tầm Tira Vanictheeramont cho biết, lý do để ông phải làm công việc này, vì tầm vóc lớn lao của Tô Ngọc Vân: “Chúng ta biết rõ những tác phẩm của ông ấy nhưng lại không biết rõ những tài liệu, và cuộc đời của ông ấy khi làm ra những tác phẩm đó. Vào cuối những năm 2000, tôi được giới thiệu qua người thư ký của mình, làm quen với con trai Tô Ngọc Vân là Tô Ngọc Thành. Khi biết ông ấy, tôi thuyết phục ông ấy bán lại cho tôi những ký họa, những tài liệu của ông bố. Những tài liệu này rất quý đối với gia đình Tô Ngọc Vân cũng như đối với nền nghệ thuật Việt Nam. Trong sưu tập của tôi có rất nhiều tranh của các họa sĩ Việt Nam. Lần này tôi thuyết phục ông Thành bán cho tôi bộ ký họa đó, và tôi hứa với ông Thành sẽ xuất bản một cuốn sách tốt để xứng đáng với sự nghiệp của Tô Ngọc Vân, làm cho mọi người, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới biết về những gì mà Tô Ngọc Vân đã vẽ. Tôi có nhờ nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đến thuyết phục bán cho tôi bộ tranh đấy cũng như sẽ làm một cuốn sách về Tô Ngọc Vân. Sau một năm thì cuốn sách đã hoàn thành. Và khi cuốn sách này ra đời tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu Tô Ngọc Vân hơn.”
Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biêt, ông được ông Tira Vanictheeramont nhờ thực hiện một cuốn sách về các bức ký họa của Tô Ngọc Vân. Phan Cẩm Thượng say mê nghiên cứu những bức tranh nhỏ vẽ bằng bút sắt và bút chì, trong lịch sử, hoàn cảnh ra đời của nó. Ông đã đến tận những nơi Tô Ngọc Vân đã vẽ, tìm gặp những người cần gặp. Với sự giúp sức thu thập tư liệu của Phan Tường Linh và Nguyễn Hoàng Yến, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã phân tích kỹ các bức ký họa của Tô Ngọc Vân. Khối lượng tư liệu đồ sộ, nếu để hoàn thiện cần phải mất 10 năm trời, nhưng ông chỉ có một năm để hoàn thành Tô Ngọc Vân, tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906 - 1954. Phan Cẩm Thượng giải thích, sở dĩ đặt tên sách như vậy, vì qua các bức ký họa đã cho thấy Tô Ngọc Vân là người họa sĩ phản ánh được một cách sâu rộng và ra được con người Việt Nam nhất, đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp. Cuốn sách tập hợp các bức ký họa của Tô Ngọc Vân, đằng sau mỗi bức vẽ còn là những câu chuyện lịch sử. Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết: “Ông Tô Ngọc Vân là một người rất cẩn thận, ông lưu lại tất cả các tư liệu viết, cả các chứng từ, hóa đơn, đầy đủ đến mức nào thì tôi chưa biết, nhưng trong đó đặc biệt có hai bức thư gửi Picasso và Matisse, và bản kiểm thảo. Trong bản kiểm thảo này ông nói rõ quá trình ông chuyển biến tư tưởng như thế nào, tham gia cuộc cách mạng như thế nào và quan điểm nghệ thuật là gì. Có thể nói sự chuyển biến về tư tưởng, nghệ thuật của ông ấy từ chỗ vẽ các cô gái thành thị cho đến vẽ những người nông dân là, rất trung thực. Và ông thấy chỉ có vẽ những người nông dân mới biểu lộ được số phận của con người Việt Nam một cách toàn diện và sâu sắc mà thôi. Chứ không phải như người ta vẫn nói là giai đoạn kháng chiến vẽ xấu hơn giai đoạn trước cách mạng. Vì thực ra giai đoạn kháng chiến ông không thể vẽ được sơn dầu hay sơn mài gì đó, mà ông đành phải vẽ ký họa thôi. Tôi nhìn những bức vẽ trong kháng chiến chống Pháp rất cảm động và rất ra thân phận con người Việt Nam.”
Trong cuốn sách, có hai bức thư Tô Ngọc Vân gửi 2 danh họa Picasso và Matisse (ông gọi họ là “họa sư”), viết năm 1951. Trong thư, họa sĩ Việt Nam gửi lời đề nghị hai họa sư quốc tế góp ý để nền hội họa Việt Nam tiếp cận tinh hoa thế giới. Như nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho biết: “Lòng mong mỏi của Tô Ngọc Vân là muốn xây dựng một nền hội họa Việt Nam không thua kém gì các nền hội họa lớn trên thế giới. Những bức thư này cho thấy Tô Ngọc Vân có một quan điểm rất rộng rãi, và có tầm nhìn xa hơn hẳn những người đương thời cùng ông lúc bấy giờ”.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước vô cùng gian khổ, mà như chính Tô Ngọc Vân đã viết trong thư gửi Picasso “ngày nào máy bay của Pháp cũng lượn trên đầu, đi khủng bố tàn sát bất cứ đàn bà trẻ con, nhà ở, trường học”, “mặt khác, vật liệu thiếu thốn, thời gian bị công tác Kháng chiến chiếm phần lớn, chúng tôi chưa có đủ điều kiện để sáng tác dồi dào,” “theo quân đội, ở tiền tuyến, hoặc sống với đồng bào hậu phương, chung nỗi sướng khổ với nhau”, thì “những nét sinh hoạt ấy đa số chúng tôi chỉ mới kịp ghi chép trong những bức Ký hình”. Nhưng với tài năng trác việt của danh họa, với cái nhìn nhân văn sâu sắc, những bức “ký hình” trong thiếu thốn mọi bề, kể cả vật liệu vẽ đó, đã để lại cho hậu thế “được rõ số phận của dân tộc”, “và phản ánh một cách toàn diện, cho đến chi tiết nhất về xã hội, cảnh vật, thời sự và con người trong cuộc kháng chiến chống Pháp”, như nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận định.
|
Hình ảnh Tô Ngọc Vân vẽ về cuộc di tản |
Ông Patrick Girard, tùy viên văn hóa, giám đốc L’espace cho rằng: “Điều thú vị là thông qua những tác phẩm của Tô Ngọc Vân, tác giả dường như truyền tải lại cho thế hệ chúng ta ngày nay một điều gì đó. Các bức tranh ký họa của Tô Ngọc Vân cho thấy một bức tranh xã hội đầy phức tạp, biến động, và trong đó nhiều vấn đề vẫn còn mang tính thực tiễn cho đến ngày hôm nay.”
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho biết thêm: “Tư liệu mà tôi xác định quan trọng nhất trong quyển sách là bản kiểm thảo của ông viết trong vòng 30-40 trang, trên một loại giấy vừa dày vừa đen, hoàn toàn viết tay. Ở bản kiểm thảo ông nói rõ lý lịch của ông từ một học sinh con nhà tiểu tư sản thành thị đi học trường mỹ thuật Đông Dương như thế nào, đi theo cách mạng như thế nào, trưởng thành thành người họa sĩ như thế nào, ông học tập được gì ở cách mạng, ông nhận thức cuộc kháng chiến này như thế nào. Tôi cho in nguyên bản kiểm thảo đó và tôi cho rằng bản kiểm thảo ấy rất trung thực, rất có văn hóa. Với một người họa sĩ mà viết rất hay, lời lẽ rất trung thực và rất ngay thẳng. Cái đó nói rất rõ về cuộc đời của một người họa sĩ."
Và hậu thế cũng có được một cái nhìn sáng rõ hơn trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, lịch sử dân tộc về sự hy sinh của nhà danh họa, qua tư liệu được in trong cuốn sách này: “Chúng tôi cũng tìm được một bức thư của người chạy cuối cùng với ông Tô Ngọc Vân, vào ngày 17 tháng 6/1954 khi ông bị trúng bom. Thực ra ông không bị bom sát vào người mà hất ông ngã, bị đá đè lên và mất. Người đi theo đó đã viết một bức thư cho bà vợ ông Tô Ngọc Vân, tả lại việc hy sinh của ông Tô Ngọc Vân như thế nào, và khi các ông quay lại tìm thì Tô Ngọc Vân đã mất rồi. Trận bom ấy rất là ác liệt. Ở cuối cùng của quyển sách, chúng tôi có nói về cái chết của ông Tô Ngọc Vân qua bức thư như vậy”.
Thiết tưởng vẫn phải nhắc lại ở đây, lời của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, người đã làm cuốn sách, khi nói với bạn đọc tham dự tọa đàm, tiếc là danh họa Tô Ngọc Vân “không sống dài hơn, để ông xây dựng những bức tranh ấy thành những tác phẩm về cuộc kháng chiến của dân tộc. Sự trưởng thành của một người nghệ sĩ đối với dân tộc mình không cần quá nhiều phương tiện, cái chính là suy nghĩ về dân tộc mình như thế nào, sự gắn bó với dân tộc mình như thế nào.”/.