(VOV5)- Nhiều tác phẩm thiếu nhi đặc sắc vừa được Nhã Nam cho ra mắt nhân hè này. Những cuốn sách với hình minh họa ngộ ngĩnh, nội dung hài hước không chỉ đơn thuần để giải trí cho các em mà còn có cả yếu tố giáo dục, định hướng cho trẻ nhỏ "vừa học vừa chơi".
Những giấc mơ từ “Hoàng tử mây”
Hoàng tử mây của tác giả: Christophe Galfard là câu chuyện về Tristam Drake, một cậu học trò lười lúc nào cũng mơ mộng. Tristam sống ở làng Blueberry, ngôi làng nằm trên một đám mây ở độ cao 2000 mét, ngay phía trên một ngọn núi lửa, giữa đại dương bao la. Ngôi làng ấy vốn được xây dựng tách biệt để làm chỗ ẩn trốn cho Myrtille, công chúa của Vương quốc Mây phương Bắc khỏi bàn tay truy lùng của Tyran, kẻ độc ác đã cướp ngôi của cha cô. Tristam sống cùng mẹ và hằng ngày vẫn đến trường dù cậu chẳng để tâm đến bài giảng của các thầy cô.
Rồi một ngày, đội quân của Tyran tìm thấy Blueberry, đốt cháy ngôi làng rồi bắt công chúa cùng tất cả người dân đi, chỉ mình Tristam và cậu bạn thân Tom trốn được. Tristam cùng Tom lên chiếc máy bay chuồn chuồn tới Làng Trắng tìm gặp người mà mẹ cậu gửi gắm. Đến đó, hai cậu bắt bắt đầu cuộc hành trình đầy gian nan đi cứu công chúa Myrtille và khám phá ra ý đồ đen tối khủng khiếp của Tyran: biến đổi khí hậu trái đất rồi dùng nó như một thứ vũ khí tối tân có sức mạnh vô song. Để ngăn chặn âm mưu ấy, hai cậu bạn buộc phải phiêu lưu trên bầu trời và tìm hiểu xem những đám mây được hình thành thế nào, sấm chớp và dông bão từ đâu mà có, tại sao bầu trời lại xanh vào ban ngày và đỏ vào ban đêm... Những điều này với cậu học trò lười Tristam quả không dễ dàng gì!
Song song với chuyến phiêu lưu kỳ thú của Tristam, tác giả còn khéo léo đan cài vào cuốn tiểu thuyết phần kiến thức khoa học giải thích các hiện tượng tự nhiên kèm theo hình vẽ minh họa cùng một loạt ảnh màu bắt mắt giúp độc giả trẻ dễ dàng tiếp nhận. Với cách làm ấy, Christophe Galfard đã hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ tưởng như bất khả thi: Biến khoa học thành một trò chơi và giải thích nó cho bọn trẻ.
Tác giả Christophe Galfard sinh tại Pháp, từng nhận bằng Tiến sĩ Vật lý Lý thuyết tại Đại học Cambridge và là một trong số ít sinh viên được nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Stephen Hawking trực tiếp hướng dẫn.. Chuyên nghiên cứu về hố đen và nguồn gốc vũ trụ, Christophe Galfard là đồng tác giả của Chìa khóa vũ trụ của George cùng Lucy và Stephen Hawking, cuốn sách từng được dịch ra hơn 35 thứ tiếng.
Nhật ký rắc rối của Mimi xác ướp
Cuốn truyện đầy thú vị này của tác giả: Natalie Zimmermann, do Joëlle Passeron minh họa là tập hợp những câu chuyện hài hước, thú vị và có phần kỳ quái được Mimi (tên thật là Andromaque) thuật lại trong cuốn nhật ký bí mật của mình.
Dù là nhật ký nhưng Mimi kiên quyết bao giờ phải có chuyện thật hay, thật đặc biệt mới viết lại, ví như khóa học bơi với thầy giáo dạy bơi to béo, ục ịch, chẳng bao giờ bước chân xuống nước; chuyện làm thế nào để chiến thắng trong cuộc đua thuyền trên biển vào mùa hè; lại cả chuyện làm sao để cậu bạn Médhi cũng thích mình như mình thích cậu ấy... Ngoài ra, Mimi cực thích lục lọi, nhất là những thứ bị cấm hoặc bị người khác giấu kỹ, thế nên công việc yêu thích hằng ngày của cô bé là đọc trộm nhật ký của chị Roxane (bị Mimi coi là đồ mách lẻo xấu xa vì chuyên ton hót mọi chuyện với mẹ).
Ngoài nhân vật chính Mimi, Natalie Zimmermann còn xây dựng cả một thế giới rực rỡ và vui nhộn quanh cô bé. Có chị Roxane (hay Rox theo cách gọi của Mimi) luôn thích ra dáng làm chị, hay gắt gỏng với Mimi nhưng thực ra lại luôn lo lắng và chăm sóc cho cô bé. Có Médhi đẹp trai, dễ thương, là cậu bạn mà Mimi “thầm thương trộm nhớ” nhưng lại suốt ngày chành chọe với cô bé. Có Léa, cô nhóc khó ưa, kiêu ngạo, kỳ phùng địch thủ của Mimi. Và không thể thiếu được cô giáo chủ nhiệm, người luôn đau đầu tìm cách đối phó với đủ trò tai quái của lũ học trò nghịch ngợm.
Và không thể phủ nhận được rằng chính những hình vẽ minh họa cực kỳ vui nhộn, hài hước và trong sáng của nữ họa sĩ Joëlle Passeron đã khiến cuốn nhật ký rắc rối này của Mimi thêm hấp dẫn, biến mỗi trang sách thành một bức tranh đầy màu sắc, tươi vui và tràn ngập tiếng cười.
Tác giả Natalie Zimmermann sinh năm 1958 tại Pháp, là dịch giả của nhiều tác phẩm dịch từ tiếng Nga và tiếng Anh, đồng thời là tác giả của nhiều tác phẩm thiếu nhi được yêu thích khác. Các câu chuyện bà kể bao giờ cũng tràn ngập những nhân vật kỳ cục, cá tính, từ những con ma hài hước đến những mụ phù thủy dễ thương. Những câu chuyện ấy không chỉ mang lại tiếng cười cho các em nhỏ mà còn nhẹ nhàng nói với các em nhiều chủ đề quan trọng trong cuộc sống như tình bạn, tình cảm gia đình.
Loạt truyện về Cô bé Conni của Julia Boehme
Nhân vật cô bé Conni lần đầu ra mắt bạn đọc nhi đồng Đức vào năm 1992 tại Hamburg. Không ai ngờ đây sẽ là một trong những loạt truyện thiếu nhi dài tập thành công đến thế trong cộng đồng nói tiếng Đức. Cho đến nay đã có hơn 60 tập truyện Conni được ấn hành và loạt truyện này vẫn tiếp tục thu hút độc giả nhí trên khắp nước Đức, thậm chí cả Thụy Điển và Hà Lan.
Nữ tác giả đầu tiên của loạt truyện là Liane Schneider. Cô lấy hình mẫu Conni từ chính con gái mình khi đó còn đang đi vườn trẻ (cô bé cũng tên là Conni). Cách tiếp cận các tình huống trẻ thơ rất nhẹ nhàng và hết sức tâm lý đã giúp series này thu hút sự chú ý của độc giả nhi đồng hơn nhiều so với dự định ban đầu.
Năm 2002, với mục đích nối tiếp thành công trước đó, nhà xuất bản Carlsen Verlag quyết định khai thác tiếp mẫu nhân vật Conni từ 7 tuổi trở lên (Conni và con chó mất tích, Conni và lá thư tình…). Lúc này, loạt truyện Conni được giao cho Julia Boehme, một nữ nhà văn từng có nhiều tác phẩm thiếu nhi rất thành công, đảm nhiệm về mặt nội dung. Còn phần minh họa được giao cho họa sĩ Herdis Albrecht.
Từ 2005, Carlsen Verlag tiếp tục xuất bản thêm series Conni trên 10 tuổi. Hiện nay, ngoài Julia Boehme, còn có nữ nhà văn Dagmar Hossfeld cũng tham gia sáng tác một số câu chuyện về Conni.