Kiêng kỵ - nét văn hoá của người Việt trong ngày Tết

(VOV5) - Theo quan niệm truyền thống, ngày Tết đem đến mọi sự tốt lành. Ai cũng muốn  những ngày đầu năm mới diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Do vậy, người ta thực hiện những điều kiêng kỵ, cầu mong tốt lành, bình an.

Nghe nội dung chi tiết tại đây


 Tết là lễ tiết quan trọng nhất trong năm, mở ra vận hội mới của đất trời, mở ra chu trình sống mới, những tình cảm mới và các mối quan hệ mới nên người Việt rất coi trọng. Từ lâu, trong dân gian xuất hiện những điều kiêng kỵ trong ngày Tết. Hoà thượng Thích Nhất Từ, người hiểu về văn hoá tín ngưỡng dân gian, lý giải:  “Kiêng cữ là tập tục phổ biến trong dân gian, đó là những mặc định gắn với tín ngưỡng mà giá trị chân lý của nó không được kiểm định. Trải qua thế hệ này đến thế hệ khác, người ta tiếp tục truyền thừa, phổ biến đồn thổi các tập tục, để rồi con người lệ thuộc và đồng hành với điều đó, vì sợ rằng nếu không tiếp tục theo đuổi thì cuộc sống của mình, mạng sống, tuổi thọ, sức khoẻ, danh vị sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi những điều kiêng kỵ. Từ đó  mà tập tục này có cơ hội truyền tụng trong thời gian rất dài.”


 Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết đã có từ lâu trong tiềm thức và cho tới nay vẫn được nhiều nơi giữ gìn như một nét văn hoá dân gian. Chẳng hạn như tục kiêng quét nhà ngày Tết. Người ta cho rằng nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới thì Thần Tài sẽ “đi mất,” tiền bạc sẽ ra khỏi nhà. Do đó, ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bàn thờ sạch sẽ và công việc này phải hoàn thành trước lúc Giao thừa. Ở Nam Bộ, người dân còn cất hết chổi sau khi quét nhà, vì họ tin rằng trong ngày Tết bị mất chổi  thì năm đó trộm sẽ vào nhà vét sạch của cải. Nhiều gia chủ ở miền Bắc hiện vẫn giữ tục chọn người xông đất (người khách đầu tiên đến nhà) sau Giao thừa hoặc ngày 1 Tết. Bà Bùi Thị Nhượng, ở phường Trương Định, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: “ Năm mới thường người ta hay kiêng ví dụ như người mà nhà đang có tang, hay  người có tuổi không hợp với chủ nhà là người ta không đến xông đất nhà người khác. Rồi ngày mồng 1 người ta kiêng không cho diêm, cho lửa vì làm như thế là đem cho người khác sự may mắn, tài lộc. Rồi các con vật như con mèo chạy vào nhà người ta cũng không thích, bởi con vật này đem theo nghèo khó, thế nhưng chó chạy vào nhà lại là điều mừng...”      

   

Kiêng kỵ - nét văn hoá của người Việt trong ngày Tết - ảnh 1


Ngày Tết là ngày vui, mở đầu cho vận hội hanh thông của cả năm và là dịp có ý nghĩa thiêng liêng. Cho nên, những gia đình gặp phải chuyện buồn rất có ý thức gìn giữ phong tục, kiêng kỵ để những người khác có niềm vui trong ngày này. Ông Phạm Văn Hưng, người dân ở tỉnh Đồng Nai, miền Nam Việt Nam, bộc bạch: “Người ta đi chúc Tết, ví dụ như mình đi vô nhà người ta. Trong này không coi trọng tuổi con  gì mới được xông đất, nhưng thấy mình năm rồi làm ăn không được, có điều gì xấu, điều xui xẻo thì đừng đến nhà người ta, mà để sang ngày mồng 2 Tết mới sang, hay để người ta đi trước rồi mình mới sang. Còn chủ yếu mình về nhà với ông bà mình thôi, đừng đi đâu. Còn để hôm sau đi  tới đâu thì đi không ai nói mình”      

     

 Trong ngày đầu năm, người ta cũng tránh vay tiền hoặc mượn đồ đạc, vì điều đó có thể làm cho người khác rơi vào cảnh túng thiếu cả năm. Nhiều gia chủ không chỉ kỵ người khác đến xin lửa mà còn rất kỵ người đến xin nước nhà mình vì nước được ví như nguồn tài lộc trời cho.

 Người Việt cũng có tục kiêng kỵ khi chọn ngày xuất hành đầu năm. Ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch được cho là ngày nguyệt kỵ, “Mùng năm, mười bốn, hăm ba/ Đi chơi còn thiệt nữa là đi buôn”, người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành hay các cuộc du xuân.

Những kiêng kỵ còn được lưu truyền đến hôm nay cũng tạo nên những nét văn hoá riêng trong ngày Tết và khiến cái Tết cổ truyền của người Việt trong cuộc sống đương đại ngày càng có ý nghĩa hơn./. 

Phản hồi

Các tin/bài khác