(VOV5)- Hội nghị Quan chức quốc phòng cao cấp ASEAN mở rộng (ADSOM+) vừa kết thúc chiều qua tại Siem Reap, Campuchia.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn và tự do hàng hải, nhất trí cần giải quyết hòa bình các vấn đề trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), cũng như các cam kết khu vực mà các nước ASEAN và các nước đối tác đã cùng nhau ký kết.
Đại diện Trung Quốc khẳng định Trung Quốc chủ trương tìm mọi biện pháp giải quyết hòa bình thông qua thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế và mong muốn các nước có liên quan tìm phương thức hợp tác hiệu quả trên vùng biển này. Nhật Bản và Campuchia ủng hộ việc mở rộng Diễn đàn an ninh biển. Trong khi đó, đoàn đại biểu Mỹ lên tiếng hoan nghênh những tiến triển gần đây trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc…
Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng
Về phần mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trưởng đoàn quan chức quốc phòng cao cấp Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực tăng cường hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cả trên bình diện đa phương cũng như song phương. Nổi bật nhất là việc hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về việc giải quyết các vấn đề trên biển, trong chuyến thăm Trung Quốc cuối năm 2011 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Thỏa thuận này đã đóng góp tích cực vào mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tôn trọng lợi ích của các nước ASEAN và các quốc gia trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và những điều ước khu vực.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (giữa) cùng đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị
Dẫn ví dụ về hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông,Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: “Tất cả các nước đều đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam và Trung Quốc trong hoạt động của nhóm chuyên gia về cứu trợ thảm họa. Đây là 1 trong 5 nhóm chuyên gia hợp tác giữa các nước mở rộng với các nước ASEAN. Những kết quả đạt được khiến các nhóm chuyên gia khác cho rằng cần phải học tập, cả về tốc độ cũng như trách nhiệm nội dung”.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng khẳng định, đối với những vấn đề còn tồn tại, nếu liên quan tới nhiều nước thì cần phải cùng nhau thảo luận. Nếu vấn đề song phương thì hai nước liên quan phải giải quyết với nhau. Nhưng dù giải quyết trên bình diện nào thì cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích các nước trong khu vực và trên thế giới, công khai minh bạch và lắng nghe ý kiến cộng đồng thế giới./.