Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chiều nay 26/7 (giờ địa phương) đã có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong khung cảnh châu Á-Thái Bình Dương.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu
Chiến lược và Quốc tế
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất và đóng vai trò đầu tàu trong liên kết kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Đây là khu vực tập trung 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất, với tỉ trọng thương mại xuyên Thái Bình Dương chiếm 2/3 thương mại toàn cầu, đóng góp gần 40% tăng trưởng toàn cầu. Sự phát triển của châu Á-Thái Bình Dương gắn liền với phần còn lại của thế giới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, các diễn đàn khu vực và liên khu vực như APEC, ASEM tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong liên kết giữa các nước ven bờ Thái Bình Dương với châu Á, giữa châu Âu với châu Á.
Trong vài năm gần đây, bên cạnh việc triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã ký kết, các nước cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ các liên kết kinh tế mới sâu rộng hơn rất nhiều về cấp độ, quy mô và không gian kinh tế, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Khu vực thương mại tự do Đông Bắc Á.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, việc thực hiện thành công các liên kết này có tầm quan trọng chiến lược với tất cả các nước. Tuy nhiên, những tiềm năng đó có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào môi trường hòa bình, an ninh khu vực. Việc xây dựng và củng cố một cấu trúc khu vực nhằm tăng cường hợp tác, kết nối giữa các nước về kinh tế, thương mại, chính trị, an ninh, văn hóa, xã hội chính là sự đảm bảo hữu hiệu nhất cho hòa bình và thịnh vượng.
Chủ tịch nước nêu rõ, nằm ở trung tâm của khu vực trải rộng từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương, ASEAN có vị trí hết sức quan trọng trong các tiến trình hợp tác ở châu Á. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ASEAN sẽ tăng cường hoạt động của các cơ chế, diễn đàn, thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các công cụ, chuẩn mực, quy tắc để bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và phát triển. Trong vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải, ASEAN kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Việc ASEAN và Trung Quốc mới đây đạt được nhất trí về khởi động tham vấn chính thức nhằm hướng tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là dấu hiệu tích cực ban đầu và cần tiếp tục được thúc đẩy.
“Các nước lớn luôn có vai trò quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế, trong các cơ chế đa phương và tại châu Á-Thái Bình Dương. Tăng cường quan hệ với các nước đối tác quan trọng luôn là một ưu tiên của ASEAN cũng như Việt Nam. Trong việc xử lý các vấn đề an ninh, điều mà ASEAN mong muốn là hòa bình, ổn định được duy trì, các cơ chế khu vực phát huy vai trò, luật pháp quốc tế được tôn trọng. ASEAN mong muốn tất cả các cường quốc đóng góp một cách có trách nhiệm vào nỗ lực chung này. Hiệp hội sẽ không trở thành công cụ cho bất cứ sự đối đầu và chia rẽ nào, một điều sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết việc xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN tự cường vào năm 2015 đã trở thành ưu tiên số một của các nước thành viên Hiệp hội và cũng là một nội hàm hết sức quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam sẽ cùng các nước phấn đấu đưa Hiệp hội trở thành hạt nhân trung tâm trong tiến trình hợp tác khu vực, tăng cường mối quan hệ tương tác sâu rộng với các nước đối tác nhằm phục vụ các mục tiêu và lợi ích chung.
Chủ tịch nước nêu rõ, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã thực sự được mở rộng và nâng tầm trên nhiều lĩnh vực. Đối với Việt Nam, việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ nằm trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu và ổn định. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Theo đó, hợp tác giữa hai nước sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực: chính trị-đối ngoại, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học-công nghệ và quốc phòng-an ninh.
Một nội dung quan trọng nữa là Việt Nam và Hoa Kỳ đã tái khẳng định quyết tâm và cam kết cùng các nước thành viên kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) theo lộ trình đã đề ra, hướng tới một hiệp định cân bằng vì phát triển. Việc tham gia TPP sẽ góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển ổn định, lâu dài, thực chất không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi nước mà còn có tầm quan trọng đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Việt Nam hoan nghênh cam kết của Tổng thống Obama tiếp tục chính sách tăng cường hợp tác với châu Á-TBD vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực; coi ASEAN là trụ cột chính trong chính sách này, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Bên cạnh khuôn khổ TPP, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trên nhiều diễn đàn khác nhau, trong đó có các cơ chế của ASEAN, hợp tác Tiểu vùng Mê Công, Cấp cao Đông Á và APEC. Tuy nhiên, hai nước sẽ phải tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Trong bất cứ mối quan hệ quốc tế nào, việc tồn tại các bất đồng và khác biệt là điều bình thường, và việc cần làm là xây dựng lòng tin, xây dựng quan hệ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, thể chế chính trị và cùng có lợi.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với các học giả Mỹ |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói, cùng với các bước phát triển của quan hệ, phương cách quan hệ giữa hai bên đang dần thay đổi. Mô thức quan hệ giữa hai cựu thù mà đặc trưng là những chính sách cấm vận, trừng phạt trước đây đã nhường chỗ cho các chính sách hòa giải và hợp tác nhiều mặt, đối tác xây dựng mà đặc trưng là tôn trọng thể chế chính trị của nhau, cùng có lợi, đối thoại, gia tăng giao lưu để thu hẹp khác biệt…
Đến nay, quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển nhanh chóng. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp 54 lần trong 18 năm. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam tính đến cuối tháng 5/2013 đạt 10,5 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác về khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, quốc phòng-an ninh cũng đang phát triển sâu rộng. Các hoạt động hợp tác về y tế và nhân đạo như rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, vấn đề di chứng và chất độc da cam/dioxin, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh… đã có sự hợp tác tốt và hiệu quả cao.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Thông điệp mà tôi muốn nhấn mạnh với quí vị là Việt Nam mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước, cùng chung tay đóng góp và vun đắp cho một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng. Và chúng ta cần nỗ lực, hết sức nỗ lực hợp tác với nhau trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi vì mục tiêu chung đó”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng dành nhiều thời gian trả lời câu hỏi của các học giả Mỹ và kiều bào. Về khả năng liệu “đối tác toàn diện” Việt Nam-Hoa Kỳ có ảnh hưởng tới nước khác hay không, Chủ tịch Trương Tấn Sang nêu rõ mỗi quốc gia đều có đầy đủ thẩm quyền tự lựa chọn về sự hợp tác của mình đối với bất cứ đối tác thành viên nào của Liên Hợp Quốc. Những nội hàm của hợp tác toàn diện không chỉ vì lợi ích riêng của Việt Nam và Hoa Kỳ, mà cũng góp phần nào đó trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay nói hẹp là trong khu vực Đông Nam Á.
Về chính sách tái cân bằng của Hoa Kỳ, Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng chính sách này bắt nguồn từ lợi ích của Hoa Kỳ, đồng thời có nhiều lợi ích liên quan đến nhiều quốc gia khác. Việt Nam rất hy vọng rằng chính sách này sẽ góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tiếp tục thúc đẩy sự năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mang lại lợi ích nhiều nhất cho cả khu vực và trên thế giới.
Trong vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định lập trường của Việt Nam trước sau như một là phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, vì đường lưỡi bò được xác lập mà không căn cứ vào bất kỳ điều khoản nào của bất kỳ luật pháp quốc tế nào. Về việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về đường lưỡi bò, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng đây là thẩm quyền của Philippines và Việt Nam hoàn toàn tôn trọng Philippines với tư cách là thành viên ASEAN và với tư cách là một thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc.
Đối với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, bà con Việt kiều sẽ là chiếc cầu vững chắc để thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa 2 nước, nhất là trong khuôn khổ đối tác toàn diện. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người Mỹ gốc Việt đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đưa quan hệ 2 nước lên một bước phát triển mới.
Liên quan tới đầu tư nước ngoài, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết Việt Nam coi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam. Thất bại của các nhà đầu tư là thất bại của Việt Nam và người Việt có thói quen không muốn mình thất bại. Chủ tịch nước khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ các nhà đầu tư giải quyết bất cứ khó khăn gì khi đến làm ăn tại Việt Nam./.