(VOV) - Đó là nội dung chính của công văn số 791/BTP-PLDSKT của Bộ Tư pháp gửi Bộ VH-TT&DL về việc tham khảo ý kiến hợp đồng chuyển nhượng thương quyền bóng đá.
|
Một phần công văn của Bộ Tư pháp gửi Bộ VH-TT&DL. |
Ngày 10/2/2012 vừa qua, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, đã gửi công văn số 791/BTP-PLDSKT cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc “tham khảo ý kiến về Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá”. Dưới đây là nội dung của toàn bộ công văn:
Kính gửi: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Ngày 03 tháng 02 năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 203/BVHTTDL-TTr về việc tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp đối với một số vấn đề liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các gìải bóng đá giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc được Bộ Văn hóa, Thể, thao và Du lịch chuyển giao, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
1. Về quyền của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đối với thương quyền các giải bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức
Theo khoản 2 Điều 53 Luật Thể dục, Thể thao năm 2006 thì: “Liên đoàn thể thao quốc gia, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức” và theo Điều 12 Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thể dục, Thể thao thì chủ sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp có các quyền: Ðịnh hình giải thể thao thành tích cao và giải thể tlhao chuyên nghiệp trên bản ghi âm, ghi hình; sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình; phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp; phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Khoản 14 Điều 4 Điều lệ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (được phê duyệt kèm theo Quyết định số 224/QĐ-BNV ngày 19/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ) quy định Liên đoàn Bóng đá Việt Nam “sở hữu tất cả các quyền phát sinh từ các giải đấu và các sự kiện thuộc quyền quản lý, tổ chức, điều hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, trong đó bao gồm các quyền về tài chính; quyền thu thanh, ghi hình; sản xuất; phát thanh, truyền hình, truyền thông đa phương tiện; quảng cáo, tiếp thị; các quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Như vậy, theo các quy định pháp luật và Điều lệ nêu trên thì Liên đoàn Bóng đá Việt Namn có quyền sở hữu đối với thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp do mình tổ chức.
2. Về thẩm quyền và quy trình, thủ tục mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã thực hiện khi ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên.
a. Về thẩm quyền ký kết hợp đồng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
Điều 75 Điều lệ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) năm 2010 đã có quy định, theo đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là cơ quan duy nhất được trao quyền cho các đối tác về phân phối hình ảnh, âm thanh và những dữ liệu khác của các trận bóng cũng như các sự kiện hoạt động bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức và không có bất kỳ giới hạn nào về nội dung, thời gian, địa điểm, các vấn đề kỹ thuật và pháp lý. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 74 của Điều lệ này cũng đã quy định Ban Chấp hành Liên đoàn quyết định phương thức và mức độ sử dụng những quyền được quy định ở khoản 1 Ðiều 74, đồng thời đưa ra các quy định đặc biệt cho mục đích này. Ban chấp hành có quyền quyết định sử dụng độc quyền các quyền trên hoặc liên kết với một bên thứ ba hoặc hoàn toàn thông qua bên thứ ba.
Các quy định của Điều lệ nêu trên cho thấy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thẩm quyền trong việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với các giải bóng đá chuyên nghiệp thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho các đối tác.
b. Về quá trình thủ tục ký kết Hợp đồng
Hồ sơ cho thấy, Hợp đồng được ký kết là kết quả của một loạt hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, cụ thể:
- Ngày 08/06/2010, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã có Công văn số 513/CV-LĐBĐVN-2010 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo về việc hợp tác khai thác bản quyền truyền hình bóng đá với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận (Công văn số 2026 (BVHTTDL-VP ngày 15/06/2010).
- Ngày 05/07/2010, Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá đã ra Nghị quyết số 280/NQ-LĐBĐVN ủy quyền cho Thường trực Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đàm phán hợp đồng với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên.
- Ngày 30/1 I/2010, Thường trực Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ra Nghị quyết số 444/NQTT-LĐBĐVN, trong đó đã thống nhất chủ trương hợp tác với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên trong thời hạn 20 năm (2011 - 2030) và ủy quyền cho Ban Tiếp thị Vận động tài trợ tiếp tục đàm phán một số điểm còn vướng mắc liên quan đến quyền lợi của các câu lạc bộ.
- Ngày 7/12/2010, Đại hội thường niên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam năm 20l0 Khóa VI nhiệm kỳ (2009-20l3) với sự tham gia của 50/75 tổ chức thành viên và 19/23 Ủy viên Ban Chấp hành đã ra Nghị quyết số 446/NQ ĐHTNLĐBĐVN 2010-VI, trong đó có nội dung biểu quyết thông qua việc cho phép Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ký kết Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình cho Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Vìên trong giai đoạn 2011-2030.
- Ngày 8/12/2010, ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã có văn bản ủy quyền cho ông Trần Quốc Tuấn - Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đại diện cho Liên đoàn ký kết Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền bóng đá với Công ty này.
Như vậy, có thể thấy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và Điều lệ của Liên đoàn liên quan đến quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng chuyển nhượng thương quyền bóng đá với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Vìên.
3. Về thời hạn của Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền bóng đá với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên
Qua nghiên cứu pháp luật hiện hành của Việt Nam về dân sự, thương mại, Bộ Tư pháp chưa thấy có quy định nào giới hạn về thời hạn của hợp đồng. Do đó, căn cứ vào nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 4 và Điều 389 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì có thể nhận định rằng, thỏa thuận thời hạn 20 năm về chuyển nhượng thương quyền bóng đá giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Vìên là không trái pháp luật.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp về một số vấn đề liên quan đến Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá, Bộ Tư pháp xin gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, tham khảo./.
PV/VOV online