Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

(VOV5)- Quốc hội chiều 4/6 thảo luận ở tổ về dự án Luật xuất bản (sửa đổi). Chính sách phát triển xuất bản; quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản; mô hình, đối tượng nhà xuất bản; liên kết xuất bản quốc tế; phát hành xuất bản phẩm… là những nội dung chính được các đại biểu Quốc hội thảo luận.


Đa số các ý kiến tán thành việc phải sớm ban hành Luật xuất bản (sửa đổi) nhằm hoàn chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động xuất bản, đồng thời tạo điều kiện để lĩnh vực xuất bản tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt nhiệm vụ định hướng văn hóa - tư tưởng và phát triển kinh tế-xã hội. Một số ý kiến đề nghị không nên bó hẹp đối tượng thành lập nhà xuất bản để phát huy các nguồn lực xã hội đầu tư cho xuất bản.


Ông Nguyễn Văn Rinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng:
“Tôi rất băn khoăn về quản lý nhà nước, phải làm rõ các cơ quan quản lý và nội dung quản lý và tăng cường sức mạnh quản lý nhà nước hiệu lực hơn nữa. Quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản có nêu Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm xuất bản theo phân cấp của Chính phủ, tôi đề nghị là phải nêu cụ thể tỉnh chịu trách nhiệm quản lý đến đâu, cơ quan bộ, ngang bộ thì quản lý đến đâu để tránh chồng chéo, dẫn đến chuyện một ấn bản phẩm nhiều cơ quan cùng quản lý, kiểm duyệt.”

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội - ảnh 1
Ảnh: baocongthuong.com.vn


Sáng cùng ngày, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Các ý kiến đều nhất trí việc xây dựng Đề án tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.


Một số ý kiến đề nghị sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội, cần thiết phải có Nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn. Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, đa số các ý kiến cho rằng cần tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri như tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi công tác; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội quan tâm.


Bà Lê Thị Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, nêu ý kiến: “Về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, tôi đồng tình với việc giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng dự thảo quy chế về bỏ phiếu tín nhiệm. Hình thức bỏ phiếu cần tồn tại 2 hình thức bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bỏ phiếu tín nhiệm bất thường khi có sự kiện về một chức danh có vi phạm. Do số lượng các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn rất lớn. Vì vậy, căn cứ vào thẩm quyền các chức danh và theo thông lệ quốc tế, các đối tượng cần bỏ phiếu chỉ nên là các chức danh từ Bộ trưởng và tương đương trở lên, các chức danh tương đương Thứ trưởng trở xuống nên giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến Quốc hội.”

Một số ý kiến cũng đề xuất mỗi đại biểu Quốc hội nên được cử đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài ít nhất 1 nhiệm kỳ một lần để nâng cao trình độ và học hỏi kinh nghiệm quốc tế./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác