(VOV5) - Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo nhóm A, B, C.
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 5/4, các đại biểu thảo luận về các nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Theo các đại biểu, việc điều chỉnh tăng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia so với quy định hiện hành, lên 20 nghìn tỷ đồng là mức quá cao, dẫn tới khó kiểm soát.
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách |
Đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ nhận định: “Mức vốn 10 nghìn tỷ là không bất cập, cả giai đoạn 2016-2020 chúng ta có 2 dự án, thực hiện không vướng mắc gì. Đối với 1 quốc gia đang phát triển, cả giai đoạn phát triển 5 năm mà có 2 dự án là quá ít. Thứ hai, không có những biến động theo Luật điều chỉnh.
Luật quy định những biến động lớn về giá cả mới được điều chỉnh. Thứ ba, thực tiễn, nếu Quốc hội quyết định có ngay vốn, có ngay chính sách đặc thù và được đại biểu đóng góp ý kiến tốt hơn. Thứ tư, hiện nay chúng ta coi mức vốn 10 nghìn tỷ là bất hợp lý sau đó tính thêm trượt giá và tăng trưởng, dự kiến cho tương lai như thế là không hợp lý”
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Quảng Nam phân tích: “Quan trọng là tính khả thi của dự án và thực tiễn đặt ra như nào. Vì sao lúc đầu là 35 nghìn tỷ, xuống 20 nghìn tỷ. 10 nghìn tỷ chúng ta chỉ có 2 dự án. Nếu đưa lên 35 nghìn tỷ hay 20 nghìn có khi cả giai đoạn Quốc hội không quyết dự án nào thì tính khả thi như nào. Quan trọng dự án đó nó giải quyết vấn đề gì cấp bách, vấn đề gì quan trọng đất nước đang đặt ra chứ không phải số tiền bao nhiêu. Tôi đồng cho rằng chúng ta giữ nguyên, Quốc hội quyết các dự án từ 10 nghìn tỷ trở lên”.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu nêu ý kiến về tiêu chí dự án liên quan đến tác động môi trường, sử dụng đất rừng, đất lúa, tác động đến dân cư.