Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3

(VOV) - Trong hai ngày 31/3 và 1/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội Quý 1 năm nay với nhiều tín hiệu khả quan, khẳng định rõ hiệu quả của các chính sách và biện pháp điều hành nền kinh tế, nhất là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 - ảnh 1

0,16% là mức lạm phát của tháng 3. Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ của các năm trước. Theo các thành viên Chính phủ mục tiêu kiềm chế lạm phát trong cả năm nay xuống 1 con số là khả thi nếu không có biến động lớn. Các chỉ số ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô cũng khả quan, nhất là tỷ giá tiếp tục ổn định; lãi suất giảm dần; thanh khoản của ngân hàng được cải thiện một bước cơ bản; thị trường chứng khoán bắt đầu phục hồi; dự trữ ngoại hối tăng; xuất khẩu tăng gần 24% so với cùng kỳ đạt hơn 24,5 tỷ USD còn nhập siêu giảm mạnh, chỉ bằng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu...


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ kiên định ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất linh hoạt, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhất là tăng dư nợ tín dụng theo mục tiêu đã đề ra, đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu hiệu quả 9 ngân hàng yếu kém; hạ dần lãi suất phù hợp với khả năng thanh khoản và lạm phát; giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ…


Để duy trì tăng trưởng hợp lý khoảng 6% trong cả năm nay, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương nắm chắc tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn đối với từng loại thị trường, lĩnh vực cụ thể nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Cùng với hạ mặt bằng lãi suất, các chính sách ưu đãi về thuế phải có cơ chế khuyến khích khai thác tốt thị trường nội địa, mở rộng thị trường ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục hành chính… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Nhiệm vụ Chính phủ của chúng ta là tháo gỡ khó khăn để duy trì phát triển sản xuất. Bây giờ nông nghiệp là lợi thế tiếp tục ưu tiên vốn cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông vì riêng xuất khẩu nông sản đã góp phần tăng trưởng hơn 2% cho tăng trưởng chung. Ngoài ra các doanh nghiệp nhỏ cũng đã góp phần tăng trưởng hơn 2%, vì vậy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã tăng trưởng gần 6% cho nền kinh tế.”


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu  Bộ Kế hoạch và đầu tư tính toán phương thức khơi thông nhanh nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đối ứng để giải ngân nguồn vốn ODA. Các bộ, ngành và các địa phương không được lơ là triển khai các chính sách, chương trình đảm bảo an sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, kiềm chế và đẩy lùi tai nạn và ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, kiên quyết đấu tranh với các luận điệu, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch.


Cũng tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và đóng góp ý kiến nhiều vấn đề quan trọng khác liên quan đến tiêu chí, quy mô dự án, công trình quan trọng quốc gia; Báo cáo bổ sung thực hiện ngân sách năm 2011 và triển khai thực hiện ngân sách năm 2012; Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam đến năm 2020 và một số dự án luật quan trọng…/. 

Phản hồi

Các tin/bài khác