(VOV5)- Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng đầu ASEAN về xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thủ đô Washington, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa có bài viết về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó khẳng định quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được những bước tiến ấn tượng. Bài viết cho biết trong 20 năm qua, nhất là từ sau khi Hiệp định Thương mại song phương (BTA) được ký kết năm 2000, quan hệ kinh tế - thương mại song phương đã thực sự cất cánh. Từ con số 400 triệu USD năm 1994, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp 90 lần lên 36,3 tỷ USD năm 2014. Với kim ngạch xuất khẩu 30,6 tỷ USD năm 2014, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng đầu ASEAN về xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Trong khi đó, Hoa Kỳ vươn từ vị trí thứ 11 trở thành nhà đầu tư lớn thứ 7 tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 11 tỷ USD. Dự kiến sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và có hiệu lực, quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ còn bùng nổ hơn nữa. Hai bên đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2013, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chứng kiến lễ ký kết 4 Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, tổng trị giá 507 triệu USD
Nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6-11/7 của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ngày 11/7, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Seoul phỏng vấn ông Chon Yong Hun, Giáo sư Khoa Chính trị và Quan hệ quốc tế Đại học Korea, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách Việt Nam của Hàn Quốc, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Hàn-Việt, về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Theo Giáo sư Chon Yong Hun, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama góp phần quan trọng trong việc nâng cao sự tin cậy, cũng như mang lại những cơ hội giao lưu, hợp tác giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, giáo dục và văn hóa. Về mặt kinh tế, Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ nhận được nhiều sự tin tưởng hơn từ phía Hoa Kỳ, qua đó sẽ góp phần tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước. Mặt khác, các doanh nghiệp đa quốc gia của Hoa Kỳ sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, kéo theo các công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ du nhập vào Việt Nam. Về lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng, hai nước đều ý thức được cần phải có sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để Mỹ có thể thực thi chính sách “tái cân bằng châu Á”, trong khi Việt Nam cần giải quyết vấn đề Biển Đông và các vấn đề an ninh khác. Theo Giáo sư Chon Yong Hun, hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác quân sự.