Quốc hội thảo luận Luật đất đai và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

(VOV5) - Thẩm quyền sử dụng đất, giá đất, cơ chế đền bù đất thu hồi là những vấn đề chính được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại tổ chiều 06/11. 

Quốc hội thảo luận Luật đất đai và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  - ảnh 1
Ảnh: vtvcantho.vn


Các đại biểu đồng tình đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể. Khung giá, bảng giá được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Ngoài giá đất bồi thường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ổn định đời sống, việc làm cho người có đất bị thu hồi. Theo ông Lê Việt Trường, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật.Thu hồi đất của một người đang được Nhà nước giao đất, sống bình thường vì mục đích quốc phòng an ninh hay vì mục đích công cộng chúng ta thu hồi đất thì phương án của tôi là cũng phải trả lại đất cho người ta. Nguyên tắc đầu tiên tôi cho rằng là phải trả lại đất cho người ta với giá trị tương đương như cũ, đủ các điều kiện tương đương và trong trường hợp người ta từ chối thì mới chuyển sang phương án đền bù tiền. Nếu phải di chuyển chỗ ở thì phải bố trí chỗ ở mới, điều kiện bảo đảm cuộc sống ít nhất là phải được như chỗ ở cũ nếu được hơn thì càng tốt. Còn về giá đất thì theo nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người dân thu hồi đất và nhà đầu tư.


Trước đó, buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này bổ sung một số quyền mới của con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tăng thêm quyền lực cho Chủ tịch nước. Theo ông Trần Minh Diệu, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân: Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân là một trong những vấn đề quan trọng. Vấn đề này được cương lĩnh và Nghị quyết của Đảng xác định là tư tưởng quan trọng và xuyên suốt trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân, là những cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.


Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 3 tháng, bắt đầu từ ngày 2/1/2013 đến ngày 31/3/2013. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 (tháng 5/2013) và tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 (tháng 10/2013)./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác