Quốc hội thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013

(VOV5)- Toàn cảnh kết quả phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 là nội dung được thảo luận trong ngày làm việc hôm nay của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII. Phiên họp này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi. 

Thảo luận ở hội trường, nhiều đại biểu nhất trí với Chính phủ khi báo cáo nêu khá rõ nét về tình hình kinh tế - xã hội hiện tại. So với 2012, tình hình kinh tế có khả quan hơn. Điểm nổi bật là đã kiềm chế được lạm phát và đây là cơ hội, thời điểm thuận lợi để tiến hành những biên pháp mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu trung hạn. Các đại biểu cũng đồng tình với 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã nêu nhưng cho rằng chưa đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế.


Quốc hội thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013  - ảnh 1
Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, kiến nghị: “Trong 2,5 năm còn lại của kế hoạch 5 năm cần xây dựng chương trình mục tiêu trung hạn để phục hồi tăng trưởng kinh tế và trong đó chính sách chủ đạo là lạm phát mục tiêu, chuyển từ chống lạm pháp bị động sang chủ động, với mức tăng CPI từ 6,5 – 7% trong 3 năm 2013, 2014, 2015 và sẽ kéo giảm xuống dưới 5% trong giai đoạn tiếp theo. Với sự chủ động như vậy sẽ tạo dư địa để phối hợp 3 chính sách: chính sách tiền tệ, chính sách chi tiêu công và lộ trình điều chỉnh giá các loại dịch vụ. Phải thực hiện ngay từ 2013. Trên tinh thần đó cần có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công để trong 3 năm tổng đầu tư xã hội đạt mức 30- 32%GDP để bổ sung nguồn lực. Về chính sách tài khoá, cần phải có thể nâng trần bội chi ngân sách hơn 4,8% GDP. Thêm nữa, ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt trong chính sách tín dụng.”

Quốc hội thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013  - ảnh 2

Ông Lê Đắc Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, phát biểu.

Về xã hội, một số ý kiến cho rằng thực trạng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, bức xúc, đòi hỏi Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn về tình trạng quá tải ở các bệnh viện, dạy thêm, học thêm tràn lan. Đề cập vấn đề lao động, việc làm, ông Lê Đắc Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, nêu ý kiến:“Lao động việc làm là mối quan tâm của toàn xã hội, là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đối với đất nước nhưng hiện nay thất nghiệp tăng, đang có sự bất cập giữa đào tạo và giải quyết việc làm. Việc đào tạo nghề ở nông thôn cũng cần chấn chỉnh, tránh chồng chéo. Đề nghị chính phủ phải có giải pháp cụ thể, đột phá để giải quyết cụ thể vấn đề này. Cần chỉ đạo sắp xếp lại các cơ sở đào tạo nghề hợp lý và sát nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp.”

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu đề nghị Chính phủ đẩy mạnh việc hỗ trợ ngư dân bám biển, tổ chức tốt hơn việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác