Quốc tế tiếp tục lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông

(VOV5) - Dư luận quốc tế tiếp tục lên tiếng sau vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 cùng tàu hộ tống tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và có hành động đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam. Nhiều nước chỉ trích Trung Quốc, cho rằng hành động này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.


Quốc tế tiếp tục lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông  - ảnh 1
Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng đầy hung hãn vào tàu chấp pháp của Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam.


Trong tuyên bố mới nhất ngày 9/5, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng Trung Quốc cần phải làm rõ lý lẽ pháp lý về việc đặt giàn khoan trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 9/5 nhấn mạnh căng thẳng Trung Quốc-Việt Nam là do hành động đơn phương và khiêu khích từ phía Trung Quốc.


Nhật Bản một lần nữa khẳng định nước này coi các hoạt động khoan thăm dò dầu khí của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông là "hành động khiêu khích" đối với an ninh khu vực, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh cần làm rõ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế về những hoạt động hàng hải đang ngày càng gia tăng của nước này ở Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng Bắc Kinh cần phải giải thích rõ các căn cứ và chi tiết những hoạt động đó với Việt Nam và cộng đồng quốc tế.  Ông Kishida nêu rõ hòa bình và ổn định trên Biển Đông là vấn đề chung của cộng đồng quốc tế và các vấn đề tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại.

Cùng ngày, các hãng thông tấn, báo chí Nhật Bản tiếp tục đăng tải nhiều tin bài về căng thẳng hiện nay tại Biển Đông, trong đó nhiều báo đặt dấu hỏi về tính xác thực do phía Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo hôm qua tại Bắc Kinh. Hãng tin Jiji cho rằng phía Trung Quốc đã không đưa ra bằng chứng rõ ràng giống như Việt Nam đã công bố hình ảnh va chạm tàu và Trung Quốc cũng lảng tránh việc đề cập cụ thể số tàu nước này triển khai tại hiện trường. Tương tự, hãng tin Kyodo cũng đặt dấu hỏi đối với lập trường của Trung Quốc khi nước này không thể đưa ra những hình ảnh làm bằng chứng tại buổi họp báo. Trong khi đó, Nhật báo Tokyo cho rằng dàn khoan HD981 mới được đưa vào sử dụng năm 2012 nên tuyên bố của công ty dầu khí Trung Quốc rằng công tác thăm dò dầu khí ở khu vực này đã được tiến hành từ 10 năm trước là không có sức thuyết phục. Cũng trong số báo ra ngày hôm nay, Nhật báo Sankei có bài bình luận với nhan đề “Trung Quốc và Biển Đông: phải chăng sử dụng sức mạnh để thay đổi hiện trạng”, trong đó nhấn mạnh nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng sức mạnh là hành động không thể chấp nhận được. Theo bài báo, căng thẳng leo thang là do Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông không được cụ thể hóa bởi thái độ tiêu cực của phía Trung Quốc.

Trong khi đó, người phát ngôn của đại diện ngoại giao cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu hôm nay ra tuyên bố: Liên minh châu Âu đặc biệt quan ngại những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng tới tình hình an ninh khu vực. Chúng tôi thúc giục các bên liên quan tìm kiếm những giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và tiếp tục đảm bảo an toàn hàng hải. Chúng tôi kêu gọi các bên tiến hành các biện pháp giảm căng thẳng leo thang và kiềm chế mọi hành động đơn phương có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định khu vực".

Ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định tình hình căng thẳng hiện nay là do Trung Quốc gây ra. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf trong cuộc trả lời phỏng vấn tại trung tâm báo chí ở thủ đô Washington, nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam là một hành động khiêu khích và vô cùng nguy hiểm, nó có thể dẫn đến những tính toán sai lầm và kéo theo các hành động khiêu khích khác, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Những gì đã và đang diễn ra ở Biển Đông hoàn toàn trái ngược với những điều Mỹ mong muốn”.

Cùng ngày, Hội Hữu nghị Italy-Việt Nam cũng lên án việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, cho đây là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Thông qua ấn phẩm Mekong cũng như trang web của mình, Hội hữu nghị Italy-Việt Nam sẽ đưa những thông tin cập nhật liên quan đến tình hình Biển Đông, những phân tích và tư liệu lịch sử nhằm chứng minh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để người Italy hiểu hơn về vấn đề này.

Trước việc Trung Quốc vẫn tiếp tục điều tàu có vũ trang tới khu vực hạ đặt giàn khoan trên thềm lục địa Việt Nam trong ngày 8/5, dư luận quốc tế đều nhận định sẽ gây thêm những căng thẳng mới tại Biển Đông và Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương này./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác