Sửa đổi Bộ luật Tố tụng Dân sự để phù hợp với Hiến pháp

(VOV5) - Quốc hội khóa XIII trong kỳ họp thứ 10 dành cả ngày 26/10 thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi).


 Đa số ý kiến nhất trí với quan điểm mới được đưa ra trong dự thảo lần này là “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” và cho rằng việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân như  vậy là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Quy định này nhằm khắc phục bất cập trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay, thể hiện rõ quan điểm đổi mới và tinh thần cải cách tư pháp.

Về vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, theo một số đại biểu: Hiến pháp và pháp luật từ trước đến nay luôn xác định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng. Như vậy, pháp luật không giới hạn phạm vi kiểm soát, phạm vi phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát về nội dung giải quyết vụ án và việc chấp hành pháp luật tố tụng. Góp ý vào vấn đề này, ông Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng: “Kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, dân sự, hôn nhân, gia đình, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật và đã bỏ quy định viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án dân sự, hành chính. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã xác định chức năng nhiệm vụ Viện kiểm sát đã công tố chỉ nói đến trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, còn đối với vụ án hành chính thì chức năng Viện kiểm sát là chức năng kiểm sát hội đồng tư pháp".

Về quy định trong Dự thảo bộ luật công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án, các đại biểu nhận định đây là quy định mới, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể những loại hòa giải nào được công nhận bởi Tòa án cũng như quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý quyết định công nhận hòa giải ngoài Tòa án.

Phản hồi

Các tin/bài khác