Đầu giờ làm việc sáng nay (8/11), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013. Ba nội dung quan trọng được Quốc hội bỏ phiếu riêng gồm: Mục tiêu năm 2013, 15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013 và biểu quyết thông qua toàn bộ Nghị quyết.
Mục tiêu tổng quát năm 2013 được 90% đại biểu tán thành với nội dung: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.
Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2013 được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 91,37%.
Theo đó: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%;
Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%;
Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%;
Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP;
Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%;
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP;
Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%;
Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động;
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%;
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%;
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16%;
Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22 giường;
Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 84%;
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 75%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%.
Các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu cho năm 2013 được thông qua tại Nghị quyết bao gồm: Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô..; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, hạ lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát; khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu...; Mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng xa xỉ... Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục để tập trung thực hiện đột phá chất lượng nguồn nhân lực...
Toàn bộ Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 91,77% đại biểu tán thành. “Đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với tỷ lệ cao” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phần biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Trước đó, báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013 cho thấy: Trong số những nguyên nhân chủ quan mà báo cáo Chính phủ nêu ra, việc Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm về những yếu kém trong điều hành của Chính phủ được các vị đại biểu đánh giá cao, song các đại biểu cho rằng yếu kém này vẫn chưa được làm rõ và đã được nêu từ rất nhiều năm nay nhưng chưa được thực sự quan tâm, khắc phục như việc thiếu tầm nhìn, thiếu những định hướng phát triển theo chiều sâu; chưa đặt ra các bài toán cụ thể, chưa phân tích thấu đáo về các nguồn lực để có giải pháp thích hợp; sự yếu kém trong công tác kiểm tra, thanh tra; năng lực trình độ quản lý của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, đạo đức một bộ phận cán bộ suy thoái; còn tình trạng chạy chức chạy quyền; việc chấp hành pháp luật, chính sách, kỷ luật, kỷ cương thực hiện chưa nghiêm…
Phần lớn ý kiến đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng CPI ở mức 8%, nhưng đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm để trong thời gian còn lại của năm 2012 duy trì được kết quả một con số này./.