Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về hai dự án luật

(VOV5) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai và Luật Khoa học và công nghệ.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, sáng 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề lớn của dự án Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai và Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về hai dự án luật - ảnh 1

Thảo luận về Dự án Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, giữa các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có ý kiến khác nhau về quy định Quỹ phòng, chống thiên tai. Nhiều ý kiến thống nhất về sự cần thiết thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai trên cơ sở Quỹ phòng, chống lụt, bão hiện nay. Đây là quỹ được hình thành do việc đóng góp bắt buộc của tổ chức, cá nhân.

Tán thành cao với việc thành lập Quỹ, tuy nhiên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị: Dự thảo Luật cần quy định rõ nguồn tài chính, cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ cũng như quy định đối tượng và mức độ đóng góp, việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán Quỹ phòng, chống thiên tai.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển lại cho rằng, không nên thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai mang tính chất bắt buộc đóng góp mà chỉ nên có Quỹ đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân.

Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị: “Nếu có thì bổ sung phần đóng góp lao động công ích. Mỗi năm tất cả công dân Việt Nam đến tuổi lao động phải đóng góp ngày công phục vụ vào việc phòng, chống thiên tai hoặc phục vụ cho các nhiệm vụ khác. Nếu không đóng góp sức lao động thì đóng góp bằng tiền, điều này do Chính phủ quy định. Chúng ta đưa ra các khoản đóng góp bắt buộc khác và nhiều khi có cảm giác không công khai minh bạch. Người dân phản ánh là hiện nay có rất nhiều loại phí, làm cho tỉ lệ huy động quá lớn”.

Tiếp đó, khi thảo luận về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi), vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến là cơ chế tài chính cho khoa học, công nghệ. Nhiều ý kiến nhất trí quy định đầu tư từ 2% trở lên ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ và mức đầu tư này sẽ tăng dần tùy theo nhu cầu phát triển ở từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, một số ý kiến nhận định: 2% trong tổng chi ngân sách là quá nhiều so với ngân sách nhưng lại quá ít so với nhu cầu của khoa học công nghệ hiện nay. Vì vậy, đề nghị cần tổ chức lại đội ngũ khoa học để sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách này.  

Đồng thời, để khắc phục điểm nghẽn chủ yếu hiện nay trong hoạt động khoa học, công nghệ là cơ chế tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: Cần quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc phân bổ và quản lý nguồn ngân sách dành cho khoa học công nghệ; áp dụng cơ chế khoán chi cho các hoạt động khoa học công nghệ sử dụng từ ngân sách Nhà nước./.


Minh Châm

Phản hồi

Các tin/bài khác