Đến chùa Ngô Xá dưới chân núi Chương Sơn (thuộc xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), tôi ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng tác phẩm bệ và tượng Phật A Di Đà bằng đá.
Chương Sơn xưa kia có bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện danh tiếng, từng được nhắc đến rất nhiều lần trong các thư tịch cổ "Đại Việt sử ký toàn thư", "Việt sử lược", "Việt sử thông giám cương mục"… Ngày nay công trình kỳ vĩ ấy chỉ còn dấu vết nền móng trên đỉnh núi, nhưng nhiều báu vật thời Lý đã được tìm thấy.
Linh sơn ở Nam Định
Bảo tháp Chương Sơn, còn có tên Vạn Phong Thành Thiện, là công trình kiến trúc Phật giáo quy mô lớn, nổi tiếng trong lịch sử, được khởi dựng từ năm 1108 và hoàn thành vào năm 1117. Sách "Đại việt sử ký toàn thư", ở phần Nhân Tông Hoàng đế, Đinh Dậu, năm thứ 8 (1117) (Tống Chính Hòa năm thứ 7) có đoạn chép: “Tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Có rồng vàng hiện”.
Sách Việt sử lược chép: “Năm Mậu Tý, hiệu Long Phù Nguyên Hòa năm thứ 8 (1108), mùa Xuân, tháng Giêng, xây tháp Chương Sơn”.
Bệ đá chạm rồng Thời Lý – báu vật của phế tích Chương Sơn, hiện đang được lưu giữ ở chùa Nề (Long Chương tự)
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lợi, cho biết, tương truyền ngôi chùa xưa được xây dựng trên đỉnh núi vào thời nhà Lý rất quy mô, khoảng 100 gian. Thế nhưng khi quân Minh sang xâm lược vào thế kỷ XV, chúng đã phá tan quần thể chùa tháp. Đến năm 1670, có hai chị em gái Lương Thị Ngọc Phú và Lương Thị Ngọc Vinh cùng là quý phi của Tây Định Vương Trịnh Tạc đã bỏ tiền ra xây chùa sát dưới chân phía Tây núi, đưa một số bảo vật còn sót lại của phế tích Chương Sơn xuống. Nay chùa thuộc thôn Ngô Xá, còn có tên chữ Phi Lai tự.
Ông Nguyễn Văn Huynh, hộ tự chùa, dẫn tôi vào hậu cung phía sau tòa Tam bảo, tại đây tọa lạc một bảo vật thời Lý vô cùng quý giá: Tượng A Di Đà được tạc từ chất liệu đá xanh. Toàn bộ tác phẩm cao khoảng 1,8 m, bao gồm phần bệ cao 1,2 m và thân tượng cao 0,6 m. Bệ đá kết cấu 4 phần được khớp nối với nhau bằng mộng và ngõng. Trên cùng là tòa sen mãn khai tỏa tròn 2 lớp cánh chính, họa tiết trên mỗi cánh sen được chạm khắc vô cùng tình xảo, với những đôi rồng chầu vào lá đề. Đế sen đặt trên một thớt tròn tạc đôi rồng uốn lượn. Phía dưới thớt là bệ đá bát giác giật cấp 3 tầng, được trang trí phủ kín bề mặt là những hình rồng vờn đuổi nhau trong dày đặc mây lửa. Dưới cùng đế bệ tạo tác hai tầng xung quanh chạm nổi hình hoa văn sóng nước lớp lớp chồng lên nhau.
Pho tượng A Di Đà với y phục áo pháp rộng rãi nhiều nếp phủ trùm lên lòng đùi giống như tượng A Di Đà thời Lý ở chùa Phật Tích. Đầu tượng kết tóc xoắn ốc, vầng trán mở rộng thể hiện trí tuệ, tuổi thọ vô lượng. Đáng tiếc rằng, pho tượng A Di Đà đã được phủ thếp vàng vào năm 2012 nên giờ đây khó chiêm ngưỡng được sắc xưa của đá, chỉ còn chiêm ngưỡng sắc đá ở phần bệ.
Nhiều báu vật vô giá
Thôn Nề ở phía Đông núi Chương Sơn có ngôi chùa chỉ mới được xây dựng cách đây khoảng 30 năm, cũng ngay sát chân núi, tên chữ Long Chương tự. Tại đây hiện lưu giữ một báu vật của phế tích Chương Sơn, đó là chân đế bia đá chạm rồng thời Lý, nặng gần 9 tấn, với kích thước dài 2,4 m, rộng 1,76 m, dày 0,9 m. Mặt bệ nổi đôi rồng to lớn chầu vào một lá đề, thân rồng trơn không có vảy, chân rồng khỏe khoắn khoe móng vuốt sắc nhọn. Trên bệ đá này có tấm bia được chế tác vào thời sau, tạc năm 1670, văn bia chữ Hán có đoạn được dịch: “Đến quân Ngô sang xâm lược nước ta, chúng sinh lòng gian ác phá hỏng các tượng phật bằng đá, chỉ còn tượng trên bệ đá ở tầng thứ hai giữa đỉnh núi. Tháp Chương Sơn đã bị phá huỷ tan tành”.
Quang cảnh chùa Ngô Xá (Phi Lai tự)
Theo người dân ở đây cho biết, vào năm 1980, họ đem tác phẩm đá này trên đỉnh núi xuống, dự định bán đi để lấy tiền xây chùa. Nhưng đưa được xuống chân núi, chính quyền xã phát hiện, cương quyết không cho bán di vật giá trị này.
Theo TS Hoàng Văn Cương, Bảo tàng Nam Định, cuối năm 1966 đầu năm 1967, Viện Khảo cổ đã khai quật khảo cổ trên đỉnh núi Chương Sơn, với diện tích 900 m2. Kết quả đã tìm ra chân móng tháp cổ cùng hơn 200 di vật đá và 50 viên gạch đất nung. Vết tích còn lại là chân tháp hình vuông hiện còn mỗi bề rộng 19 m. Đá xây tháp được liên kết với nhau bằng cá chì (đục lỗ mộng, đổ chì nấu lỏng vào) hoặc khoan lỗ rồi dùng dây đồng xâu lại thắt chặt. Phần lớn các bộ phận kiến trúc bằng đá như đố dọc, mí cửa, bệ cửa cuốn, thành bậc, chân cột...đều được phủ kín bằng trang trí thời Lý: rồng, phượng, khỉ, tượng đầu người mình chim....
Các nhà khảo cổ tìm thấy ở đây những viên gạch lớn ghi chữ Hán “Lý gia đệ tứ đế Long Phù Nguyên Hòa ngũ niên tạo” (chế tạo vào đời vua thứ tư nhà Lý, niên hiệu Long Phù Nguyên hoá năm thứ năm). Nhiều di vật độc đáo thời Lý chỉ tìm thấy ở chùa Ngô Xá, mà đến nay chưa phát hiện được ở bất kỳ một di tích nào khác, được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Tôi nhiều lần đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia và ngắm nhìn những kiệt tác đá này. Tác phẩm khiến tôi say mê thích thú nhất là cột đá chạm búp sen rồng cuốn, thế kỷ XI, hoàn mỹ hài hòa, hình ảnh một búp sen chưa khai hương như đang gói trong lòng tất cả tinh túy của đất trời, sự tinh khiết cao cả tới tận cùng của giáo lý Phật Đà.
Cách núi Ngô Xá khoảng 800 m về phía Đông Bắc là núi Phương Nhi (nơi đặt phần mộ vị Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến), trên đỉnh có nhiều phế tích như gạch ngói, con giống đất nung và nhiều tháp thờ đất nung có niên đại thời Lý. Năm 2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nam Định khai quật đỉnh núi Phương Nhi, thu được hàng trăm di vật thời Lý-Trần, Lê với nhiều chất liệu, loại hình khác nhau như đất nung, gốm sứ, đá, dây đồng, tiền đồng, cá chì. Cho thấy các di tích trên núi Phương Nhi chính là các công trình kiến trúc thời Lý được xây dựng hướng về trung tâm là Bảo tháp Chương Sơn tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn. Năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định xếp hạng cụm di tích Đình - chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích khảo cổ Bảo tháp Chương Sơn là Di tích cấp quốc gia.
Theo Chu Khôi/nongnghiep.vn