Phần 1: Hậu phương của người lính đảo Trường Sa


(VOV5) - Có đi xa mới hiểu và quý trọng những giây phút đoàn tụ. Có xa cách người thân mới cảm nhận được giây phút trùng phùng, hạnh phúc bên nhau. Giữa trùng khơi sóng nước, đảo xa chỉ xa xôi nghìn trùng về khoảng cách địa lý nhưng không xa về tình cảm, tình thương gia tộc, tình nghĩa vợ chồng. Hậu phương và người lính đảo vẫn luôn có một sợi dây gắn chặt, khó mà buông rời. Sau đây là câu chuyện về hai vợ chồng Vũ Thị Thúy – Lê Mạnh Hùng với những tâm tư, tình cảm gắn kết ấy.

Nhấn vào đây để nghe âm thanh:



Trước đây, Vũ Thị Thúy không hình dung Trường Sa như thế nào. Qua lời người chồng, anh Lê Mạnh Hùng, tả Trường Sa là một hòn đảo nhỏ, nổi lên trên mặt nước, sự tưởng tượng của Thúy chỉ dừng ở đó. Nhưng đến nơi, Thúy ồ lên thích thú không nghĩ đảo lại to đến vậy. Ngỡ ngàng nhất là khi bước lên cầu cảng đảo Trường Sa Lớn, nhìn bao quát xung quanh, đảo ở xa xôi thế mà khung cảnh giống hệt như ở làng quê Bắc Bộ vậy: "Đảo cũng có cổng làng, y như cổng vào làng. Đi vào rồi, chồng dẫn đi 1 lượt vòng quanh đảo. Nhà mọc san sát lên. Bây giờ đang xây dựng nhiều nhà cao tầng ở đấy. Em ra các hộ dân, cảm nhận của em, thấy mộc mạc, hệt như ở trong một khu làng, chứ em không nghĩ như ở ngoài biển. Nhìn thấy các anh sống gắn bó, tình cảm với nhau, có sự đoàn kết, giúp đỡ của đồng đội, em cũng đỡ lo hơn".

Là thân nhân duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc được ra thăm chồng ở đảo xa, nhận được tin này, Thúy hoàn toàn bất ngờ. Sự hồi hộp và niềm vui cứ chộn rộn, đan xen trong hành trình ra đảo, từ sự chuẩn bị mang gì ra làm quà cho chồng đến việc hình dung các chặng đường tới đảo. Được đi tàu tốt, nằm trong phòng điều hòa, nghĩ đến có lúc chồng phải mắc võng chống chọi với sóng gió đại dương, lại thương, cứ khóc ngùi ngụi. Món quà Thúy mang ra thăm chồng ngoài những đồ dùng cá nhân, hoa quả, kỷ niệm đặc biệt với hai vợ chồng là bức ảnh cưới. Năm 2010, đôi uyên ương Thúy Hùng nên duyên. Tuy nhiên, thời gian ở bên nhau không được lâu. Sau khi cưới vợ, chàng thiếu úy trở vào Cam Ranh, Khánh Hòa tiếp tục công tác. Tháng 6 năm 2011, Hùng nhận nhiệm vụ ra Trường Sa, bịn rịn lo cho người vợ trẻ phải ở lại hậu phương cùng với mẹ gánh vác công việc phận sự của cô con dâu mới. Trong thâm tâm biết sẽ gặp vô vàn khó khăn trước mắt khi bước vào cuộc sống mới, Thúy vẫn nén lòng mình, động viên chồng, gác việc nhà để lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng: "Em động viên anh cứ yên tâm, cố gắng giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trường Sa 1 cái gì đó thật thiêng liêng. Có 1 người chồng canh giữ, bảo vệ ở đấy, em có cảm giác mình rất tự hào, rất vinh dự".


Phần 1: Hậu phương của người lính đảo Trường Sa - ảnh 1
Vũ Thị Thúy bên ngôi nhà ở Vĩnh Phúc

Thời gian đầu làm quen với cuộc sống mới đối với Thúy không dễ dàng gì, khi chồng không ở bên. Ví như hôm giỗ bố chồng, mẹ bị ốm nằm bệnh viện trên huyện, chồng đi công tác xa, các chị em mỗi người mỗi nơi, một mình Thúy đảm đương việc giỗ chạp. Đây là lần đầu tiên, cô gái 24 tuổi phải lo giỗ một mình. Được mẹ chồng bày cách cộng với chồng gọi điện về dặn dò, Thúy cũng an tâm và làm đâu ra đấy. Đi chợ từ sớm, về là tập trung nấu nướng. Lụi cụi bên bếp củi rồi lại sắp xếp đồ lễ. Mọi việc rồi cũng tạm ổn.

Phần 1: Hậu phương của người lính đảo Trường Sa - ảnh 2
Vũ Thị Thúy đang cặm cụi nấu cơm


Không riêng gì ngày nhà có việc, không hôm nào, Hùng không gọi điện về cho vợ hỏi tình hình ở nhà. Ở nơi xa, nhưng anh luôn thấy ấm áp từ hơi ấm đất liền, từ chỗ tựa hậu phương vững chắc. Những ngày chờ đợi vợ ra thăm là những ngày bồn chồn, lo lắng nhất đối với Hùng: "Mình rất mong đến ngày được gặp vợ. Bình thường theo lịch trình tàu qua Đá Lát là đến đảo. Sau đó, do bão, qua Đá Tây trước 3 ngày, nên mình mất ăn mất ngủ. Lo vợ say tàu xe.  Em và vợ thời gian ở bên nhau rất ít. Ngoài thời gian trực và làm nhiệm vụ, lúc rảnh hay gọi điện động viên nhau".


Phần 1: Hậu phương của người lính đảo Trường Sa - ảnh 3
Những chiếc xuồng lần lượt đưa thân nhân lên đảo thăm người thân. (Ảnh: baokhanhhoa)

Sự động viên lẫn nhau là điểm tựa tinh thần lớn nhất giúp hai vợ chồng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Cô cháu gái Hoàng Tuyết Mai, 11 tuổi, nhỏ thó nhưng có vẻ mặt già trước tuổi, thỉnh thoảng chạy qua phụ việc vặt quét nhà, nhặt rau giúp thím cho nhà đỡ quạnh quẽ. Bản thân, cháu Mai cũng nhớ chú Hùng lắm và mong chú về nữa: "Cháu mong chú về để chơi với cháu, chơi trò chơi trốn tìm, chơi trò bịt mắt bắt dê. Yêu chú như là người bố thứ hai của cháu. Chú cháu đã ra ngoài đảo nên cháu hứa với chú năm nào sẽ cố gắng trở thành học sinh giỏi. Cháu quyết tâm như vậy".

Sống trong căn nhà nhỏ nép mình bên bờ sông Lô, thỉnh thoảng người vợ trẻ lại ra bến đò Đức Bác, được ví như bến đò nối những bờ vui, ngóng trông một điều xa vời vợi. Trong dòng người hối hả lại qua kia, biết đâu chừng bóng dáng của người chồng thân thuộc, người lính đảo Trường Sa, chợt hiện ra trong buổi hoàng hôn tím sẫm, sau bao nỗi nhớ dằng dặc, mong chờ./.

 


Phản hồi

Các tin/bài khác