(VOV5) - Cơ sở sản xuất của nghệ nhân Tạ Thu Hương xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu 20.000-30.000 chiếc nón, với giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá nội địa.
Trải qua 4 thế kỷ với nghề làm nón lá, làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) hiện còn rất ít người theo nghề nhưng những người còn theo nghề đều cố gắng lưu giữ nghề cổ truyền của ông cha để lại.
Trong số đó có nghệ nhân Tạ Thu Hương, người phụ nữ không những đam mê với nghề truyền thống, lưu giữ những giá trị của nón lá làng Chuông trước nguy cơ mai một, mà còn có những sáng tạo độc đáo, đưa chiếc nón làng Chuông đến với nhiều du khách quốc tế và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Trong ngôi nhà riêng của gia đình nghệ nhân Tạ Thu Hương (sinh năm 1968), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến những người thợ làm nón làng Chuông đang cần mẫn, chăm chú từng đường kim, mũi chỉ trên những chiếc nón lá phủ lụa với nhiều màu sắc, nhiều kích cỡ khác nhau…. Kỳ công là vậy, nhưng ở thị trường nội địa, những chiếc nón làng Chuông đẹp nhất cũng chỉ bán được 100.000 đồng/chiếc (khoảng 4 USD), còn lại bình quân 50.000-70.000 đồng/chiếc.
Nghệ nhân Tạ Thu Hương bên những chiếc nón lụa do chị sáng tạo. Ảnh: VOV |
Chị Phạm Thị Huyên, 38 tuổi, người làng Chuông, cho biết: "Để làm ra một chiếc nón thì trải qua rất nhiều công đoạn. Từ lá xanh phải vò rồi phơi khô, rồi phải dẽ lá, sau đó là phẳng ra. Từ lúc bứt vòng, thắt vòng, quai lá, phủ lụa… để hoàn thiện được một chiếc nón thì mất ít nhất 5 tiếng."
Có lẽ, độc đáo nhất trong số những sản phẩm nón Chuông là nón lụa Hà Đông, do nghệ nhân Tạ Thu Hương sáng tạo, kết hợp giữa nón lá truyền thống và vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng của lụa. Nghề làm nón truyền thống lâu đời như đã ngấm vào máu người làng Chuông nên họ bắt nhịp rất nhanh khi chuyển sang làm những chiếc nón lụa Hà Đông này.
Cô Phạm Thị Mai chia sẻ: "Từ đời bố mẹ đến đời các con, các cháu đều biết làm nón cả, làm nón là có tiền. Ngoài đồng ruộng ra thì mọi người không đi làm được thì ở nhà khâu nón. Để mà xuất khẩu được ra nước ngoài thì các mẫu mã lúc nào cũng phải cải tiến, đẹp mắt. Chẳng hạn, trước đây chỉ là làm nón trơn nhưng bây giờ làm nón lụa, nón vẽ, nón thêu. Nói chung là nhiều mẫu mã, người ta đặt mẫu nón nào là người làng Chuông đều làm được."
Những chiếc nón dùng để trang trí với nhiều kích cỡ được khách hàng đặt làm tại xưởng nhà nghệ nhân Tạ Thu Hương. Ảnh: VOV |
Cùng với những người thợ, nghệ nhân Tạ Thu Hương, vừa hướng dẫn người làm, vừa thoăn thoắt đưa tay theo những mũi kim khâu nón. Gần 50 năm gắn bó với nghề, chị Hương là một trong những nghệ nhân của làng Chuông đang gìn giữ nghề truyền thống.
Chia sẻ về cái duyên với nghề, chị cho biết: "Ngày nhỏ, tôi chứng kiến cảnh người dân làng tôi đội nón đi bán rồi đội nón về. Mọi người nói với nhau rằng “hôm nay không có tiền đong gạo”, mình thấy nỗi khổ của người dân làng mình. Sau khi học hết cấp 3, tôi đã đem những chiếc nón làng Chuông đến các công ty xuất nhập khẩu, giới thiệu, gửi mẫu mã và nói với họ, nếu có đơn hàng thì trả cho tôi làm, tôi đầu tư mẫu mã. Từ yêu nghề, thương dân và cũng là tự cứu lấy chính mình, đúng là cũng rất gian nan, vất vả rồi tôi cũng có ký được đơn hàng đầu tiên với công ty xuất nhập khẩu ở Hưng Yên."
Nhận thấy nhu cầu đa dạng của khách hàng, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã sáng tạo ra nhiều mẫu nón lá độc đáo. Chiếc nón của chị không chỉ để sử dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày, mà còn trở thành một tác phẩm nghệ thuật với những bức tranh, họa tiết được vẽ một cách tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết.
Nghệ nhân Tạ Thu Hương cho biết thêm: "Tôi đã làm được những đơn hàng xuất khẩu như thế, không phải nón truyền thống mà nón cải tiến đi, mỗi nước một kiểu, mình đã dám nghĩ, dám làm. Có vợ chồng người Australia về làng Chuông đặt hàng, nhưng họ đặt làm các kích cỡ to nhỏ với mô hình nhiều màu. Mình cũng nhận làm và phải làm thế nào để ra được chiếc nón như khách yêu cầu để bán, bán được cho họ thì họ sẽ quý mình. Và mình thấy rằng mình nên lập nghiệp bằng nghề này."
Trăn trở với nghề, chị Tạ Thu Hương luôn cố gắng tạo thêm những sản phẩm độc đáo, thu hút khách du lịch đến với làng nghề để từ đó, tăng thu nhập cho gia đình và người dân làng nghề. Nghĩ là làm, chị Hương đã thử làm những chiếc nón chùm, nón xòe, nón lâm xung, nón thêu phong cảnh Việt Nam vô cùng độc đáo. Từ làng Chuông, những chiếc nón lá mang tâm hồn Việt đã theo du khách đi khắp nơi trên thế giới. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của nghệ nhân Tạ Thu Hương xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu 20.000-30.000 chiếc nón, với giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá nội địa. Hoạt động này không chỉ mang về nguồn thu nhập cao cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên tại xưởng nhà chị Hương, cùng các hộ sản xuất lân cận với mức thu nhập trung bình từ 2-5 triệu đồng/người/tháng (khoảng 85 USD-215 USD).
Chị Thu Hương nói: "Bước ban đầu thì cũng rất vất vả, nghĩ làm thế nào để bán được nón lá trên lụa bán cho người tiêu dùng mà người ta ưa thích. Đầu tiên làm cũng có hỏng và cũng có một số không bán được. Đến bây giờ thì nón lá trên lụa rất thịnh hành. Thời đại 4.0 là phải đẹp, chị em mọi miền trên cả nước cũng rất ưa thích và bán được rất nhiều. Bà con trong làng bây giờ rất nhiều người biết làm nón lụa, có việc và thu nhập ổn định hơn nón trơn truyền thống."
Khi cuộc sống hiện đại làm mất dần đi những làng nghề truyền thống thì việc những nghệ nhân tâm huyết như chị Tạ Thu Hương đang góp phần lưu giữ giá trị, bản sắc văn hóa và biểu tượng truyền thống của làng nghề. Cùng với tình yêu, nhiệt huyết với những chiếc nón lá truyền thống của dân tộc, chị Hương được nhiều người coi là “Đại sứ nón”. Nghệ nhân Tạ Thu Hương mong muốn mãi “truyền lửa đam mê” này đến cho đông đảo mọi người trong xã hội.