(VOV5) - Với những trẻ em khuyết tật, việc được giáo dục, nuôi dưỡng trong môi trường chuyên biệt là nhu cầu thiết yếu. Ngôi trường chuyên biệt có thể không khang trang, rộng lớn nhưng sẽ là “gia đình thứ 2”, giúp các em học sinh kém may mắn có đủ vốn sống, kỹ năng và cả sự tự tin để từng bước hòa nhập cộng đồng. Mời quý vị và các bạn cùng ghé thăm ba trong số những ngôi trường đặc biệt như thế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Một buổi học tại trường khuyết tật thính giác Hy Vọng 1. (Ảnh: nhipcautamgiao.net) |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Chúng tôi đến thăm Trường Chuyên biệt Tương Lai vào những ngày đầu tháng 4. Nằm trong một ngõ nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Trường hiện nhận dạy 40 em học sinh mắc chứng tự kỷ, tăng động, chậm phát triển trí tuệ, hội chứng down, bại não… theo hình thức bán trú. Trẻ học tại trường có độ tuổi dao động từ 6 đến 16 với mức độ khuyết tật khác nhau và đa phần đều không có ngôn ngữ. Cô giáo Đỗ Thị Phương Nga, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai, cho biết: “Trường tôi đa số là trẻ tật nặng nên các em gặp khó khăn về ngôn ngữ, khó khăn về kỹ năng sống. Vì thế tôi đã mạnh dạn đầu tư dạy về kỹ năng sống và phát triển về ngôn ngữ sát thực tế.”
Ở Trường chuyên biệt Tương Lai, việc dạy kỹ năng sống, cách xử lý các tình huống phát sinh được Ban giám hiệu và toàn thể giáo viên đặc biệt quan tâm. Cô giáo Phan Thị Thu Hương, người gắn bó lâu nhất với trường, chia sẻ: “Những đứa trẻ này rất bất hạnh. Mình tiếp cận và dạy các em bằng cái tâm cũng như đưa ra chương trình phù hợp với khả năng của trẻ. Dạy các bé thì rất khó vì đối với trẻ khuyết tật giữa nhà trường và gia đình. Do đó, khi dạy bài gì trên lớp mình đều nhờ phụ huynh về dạy lại các em và sang ngày hôm sau đều trao đổi để nhận phản hồi ở nhà trẻ như thế nào.”
Tại Trường khuyết tật thính giác Hy Vọng 1, ở quận 1, tuy cơ sở vật chất của Trường còn nhiều thiếu thốn nhưng bằng tất cả nỗ lực của mình, tập thể giáo viên của Trường luôn tìm cách để tạo ra môi trường giáo dục tốt nhất cho các em học sinh. Bên cạnh việc dạy văn hóa, nhà trường còn mở nhiều lớp kỹ năng, năng khiếu và hướng nghiệp như vẽ, vi tính, thêu, thủ công mỹ nghệ… với mong muốn các em có được cái nghề để tự nuôi sống bản thân trong tương lai. Là cơ sở giáo dục chuyên biệt nên Trường khuyết tật thính giác Hy Vọng 1 đặt ra những yêu cầu khá khắt khe trong việc tuyển chọn giáo viên đứng lớp. Cô Trần Thị Ngời, Hiệu trưởng Trường Hy Vọng 1, cho rằng: “Ngay khi thu nhận giáo viên, chúng tôi đào tạo bằng cách cho họ học những kỹ năng tiếp cận với người khiếm thính. Sau đó thì đưa vào thực tế để giúp giáo viên điều khiển được lớp học và trình bày nội dung giảng dạy thật tốt.”
Nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, Cơ sở khiếm thị Bừng Sáng đã có 29 năm nuôi dưỡng và giáo dục trẻ khiếm thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong tổng số 30 em đang nhận sự bảo trợ của cơ sở từ thiện này, gia đình nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Buổi sáng, các Sơ tại cơ sở chia nhau đưa các em đến Trường giáo dục đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu học lớp văn hóa, chiều lại đón về lo cơm nước, phụ đạo. Khi các trẻ đến trường, các Sơ cùng nhau kết cườm, làm đồ mỹ nghệ, bán kiếm thêm nguồn kinh phí cải thiện chất lượng bữa ăn. Là người sáng mắt nhưng vì muốn thêm gần gũi với những đứa con chung, các Sơ không ngần ngại học chữ nổi và quy tắc sinh hoạt của người khiếm thị để gần các em hơn. Sơ Nguyễn Thị Hoàng, Chủ nhiệm Cơ sở khiếm thị Bừng Sáng, cho hay: “Khi biết chữ của các em chúng tôi mới hiểu rõ các em cần gì, học như thế nào và gần gũi các em nhiều hơn. Các Sơ hòa nhập với các em làm một. Khi đồng hành với chúng tôi, việc học của các em dễ dàng hơn.”
Không chỉ chắp cánh tương lai cho những đứa trẻ kém may mắn bằng việc tiếp nối giấc mơ con chữ mà các sơ còn mở nhiều lớp năng khiếu với mục đích hướng các em đến sự phát triển toàn diện. Những lớp ngoại khóa như vi tính, đàn organ… của cơ sở này ra đời từ đó. Điều đáng nói ở đây là giáo viên đứng lớp cũng là người khiếm thị. Họ đến đây không chỉ để dạy các em thêm một kỹ năng mà còn để động viên, chia sẻ và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những người cùng cảnh ngộ.
Kỷ niệm Ngày thế giới bảo vệ và chăm sóc người tàn tật 18/4, mong rằng sẽ có nhiều ngôi trường như thế này để những trẻ em khiếm khuyết tìm được cho mình một ngôi trường chuyên biệt, một điểm tựa tinh thần. Với vốn kiến thức cũng như những kỹ năng được nhà trường trang bị, các em sẽ sớm hòa nhập cộng đồng và thêm tự tin để quyết định tương lai của mình./.