Thào Thị Chúa, người giữ văn hóa Mông

(VOV5)- Ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có một người phụ nữ dân tộc Mông không tiếc tiền, không ngại bỏ công để tìm, giữ lại những vật dụng sinh hoạt, những nhạc cụ mà bà coi là bảo vật của người Mông. Để có cái chum bạc cổ, bà phải đổi hai cái nồi quân dụng và đưa thêm một số tiền.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Tôi gặp bà Thào Thị Chúa ở làng văn hoá các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Người phụ nữ dân tộc Mông dáng người đậm trong trang phục váy xoè, say sưa giới thiệu về dân tộc mình: Tôi rất yêu dân tộc mình. Nếu mà tôi không giữ được thì lớp trẻ không còn gì. Tôi là người già tôi phải giữ được nét văn hoá cổ truyền để cho các cháu mai sau và muôn đời sau nữa chứ. Các cháu mới biết cội nguồn dân tộc mình chứ. Nếu mà không có ai giữ lại thì coi như mai một hết. Tôi nghĩ mình rất nhỏ bé, nhưng mà mình giữ lại những cái nhỏ bé rất cho dân tộc mình.

Bà Thào Thị Chúa mang xuống tặng làng văn hoá các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội nhiều đồ cổ của người Mông. Để có những đồ vật đó bà phải dành rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Nhiều đồ vật bà phải kỳ công sưu tầm như: cái chum bạc cổ, bà đến tận nhà nài nỉ gia chủ cho thêm hai cái nồi. Bà Thào Thị Chúa bảo: Những đồ vật cổ của người Mông không còn nhiều nếu không có ý thức giữ gìn thì cũng sẽ mai một dần: Tôi bảo con người thì có thể mất đi, nhưng đồ vật thì tồn tại mãi mãi. Những cái tôi đang giữ để lúc nào mình không làm được nữa thì mình sẽ gửi tặng bảo tàng Việt Nam hoặc bảo tàng tỉnh để giữ lại cho muôn đời sau con cháu. Tôi chỉ muốn giữ lại như thế để khi các cháu trưởng thành nhìn lại cội nguồn của mình.

Thào Thị Chúa, người giữ văn hóa Mông - ảnh 1
Bánh dày trong Tết của người Mông

Chiều nào, bà Chúa cũng dong duổi tới các xóm gần, bản xa hỏi han, tìm những vật dụng của người Mông khi xưa. Dấu chân bà đã in trên khắp các nẻo đường vùng núi đá cao huyện Mèo Vạc: Ở nhà chủ yếu là đi sưu tầm. Ở huyện quen hết mọi người. Trong lúc mà nghỉ ngơi tôi đi vào xóm xem người ta có tô gỗ nhỏ không, có giỏ giã ớt không hay là có khèn, có gì cổ cổ ngày xưa ? Người ta mang về thì tôi mua. Họ bảo là bà này đi lấy cái chả đâu vào đâu. Cứ toàn thích những cái ngày xưa người ta vứt đi.


Ngoài sưu tầm những đồ dùng trong sinh hoạt, bà Thào Thị Chúa còn có duyên với những cây khèn. Tìm được khèn cổ, bà nâng niu, để cẩn thận trong tủ. Chỉ có khách quý mới được ngắm. Bà Chúa bảo, khèn rất quan trọng với người Mông, là sợi dây nối giữa thế giới thần linh với con người: Khèn là nhạc cụ không thể thiếu ở dân tộc Mông. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào khèn luôn là người bạn đồng hành. Tiếng khèn du dương say đắm lòng người song tiếng khèn cũng làm buồn não lòng người khi tiễn đưa con người sang thế giới bên kia. Chính vì vậy tiếng khèn luôn gần gũi với dân tộc Mông.

Thào Thị Chúa, người giữ văn hóa Mông - ảnh 2
Thi giã bánh trong ngày Tết - Ảnh: internet

Khèn gắn bó với người Mông là vậy nhưng lớp trẻ giờ nhiều người không biết múa khèn nữa. Tiếng khèn thưa dần trong các buổi hội hè, văn nghệ. Bà Chúa mở lớp dạy khèn cho thanh niên Mông nhằm khơi dậy niềm đam mê, thích thú của thế hệ trẻ và để những điệu khèn, còn được lưu giữ qua nhiều thế hệ sau: Lúc đầu tôi đi người ta không nhất trí đâu vì người ta bảo không có lợi người ta không làm. Tôi bảo anh cứ dạy cho các cháu, mình sẽ được đi thăm thủ đô Hà Nội, đi thăm các tỉnh khác. Ở trong làng có các cháu biết khèn nhưng chưa làm được cho nên tạo mọi điều kiện kinh phí cho các cháu để đi học. Vừa làm vừa dạy cho lớp trẻ từ 15-20 tuổi.

Gần chục năm, cùng với việc sưu tầm đồ cổ, mở lớp dạy múa khèn, bà Thào Thị Chúa còn tổ chức dạy cho phụ nữ trồng lanh, dệt vải. Bà hướng dẫn hai cô con gái học cách làm trang phục dân tộc Mông. Dần dần, nhiều phụ nữ Mông thấy yêu nghề dệt và muốn được tự tay làm ra những bộ trang phục Mông sặc sỡ: Tại sao cây lanh rất đơn giản người ta làm được thổ cẩm rất là đẹp. Tại sao làm được thổ cẩm để đi ra các nước? Phải những người nào phải có tâm huyết mới làm được. Chị này có 1 tâm huyết khác, chị này có 1 tâm huyết khác

Tâm huyết cả đời của bà Thào Thị Chúa là văn hoá Mông không bị mai một. Con cháu người Mông biết được nguồn cội dân tộc. Và Với bà đó là niềm vui, niềm hạnh phúc./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác