Tình cảm thân thương từ đất liền với Trường Sa

(VOV5) - Ai đã một lần được đến với Trường Sa chắc chắn sẽ có những cảm xúc lay động trái tim và trở thành ký ức mãi mãi không thể nào quên. Nơi ấy, giữa mênh mông sóng nước, những đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn, cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, nhưng các cán bộ, chiến sỹ ngày đêm canh giữ biển trời luôn lạc quan, yêu đời, bền lòng, vững trí, sẵn sàng chiến đấu hy sinh với quyết tâm "còn người, còn đảo"…Cùng đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đến thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa trong những ngày đầu tháng 5, phóng viên đài TNVN ghi lại tâm trạng, cảm xúc của các thành viên đoàn công tác khi đến với Trường Sa.

Mời quý vị  bấm để nghe âm thanh ghi chép:


Sau hơn 50 giờ hành trình liên tục, tàu HQ571 đưa chúng tôi đến điểm đảo đầu tiên - đảo Song Tử Tây. Trong cái nắng mùa khô gay gắt, giữa một vùng trời nước mênh mông, xã đảo Song Tử Tây hiện ra xanh tươi, mát rượi. Khi đặt chân lên đảo mới thật sự bất ngờ bởi những con đường rộng đẹp được trải bê tông, cùng hàng cây xanh bên đường. Chưa hết bỡ ngỡ khi đặt chân lên đảo, song mọi người không ai bảo ai hồ hởi, vui mừng trò chuyện cùng các cán bộ, chiến sỹ với tình cảm thân tình như người trong gia đình. Chúng tôi đi tham quan nơi ăn chốn ở, phòng họp, phòng đọc sách, nhà bếp, chụp ảnh từng vạt rau, bể nước, góc chăn nuôi gia súc, gia cầm trên đảo. Ai cũng muốn nắm bắt thật nhiều thông tin, để hiểu được cán bộ, chiến sỹ ở đây sống như thế nào. Ông Dương Công Thành, một doanh nhân ở đảo Phú Quốc rất xúc động và cảm phục tinh thần lạc quan của anh em cán bộ chiến sỹ trên đảo: “ Đợt này tôi đi mang tình cảm của Phú Quốc đến với Trường Sa. Ngoài cảm nhận được những khó khăn cực kỳ lớn của các chiến sỹ, tôi thấy các chiến sỹ trẻ rất lạc quan, và có một sức mạnh tiềm ẩn mà tôi cảm nhận được. Điều đó khiến chúng tôi tin tưởng rằng các chiến sỹ hải quân bằng mọi cách sẽ bảo vệ được lãnh thổ, hải đảo của Việt Nam”

Những ai đặt chân đến Trường Sa không thể không tới thăm những ngôi nhà hạnh phúc của các gia đình đang sinh sống trên đảo. Họ vui vẻ, yên tâm với mô hình gia đình chồng làm nghề chài lưới, vợ phục vụ hậu cần cho bộ đội, hoặc vợ chăn nuôi trồng trọt còn chồng phục vụ hậu cần. Nhiều người dân tíu tít mời chúng tôi về thăm nhà - những ngôi nhà khang trang rộng rãi nằm dọc theo bờ biển, phía trước là khoảnh sân nhỏ xinh xinh. Chúng tôi đến nhà anh chị Huỳnh Viên - Nguyễn Thị Thúy Vân ở đảo Song Tử Tây. Như nhiều gia đình khác ở đây, nhà anh chị có bàn thờ Bác Hồ đặt ở nơi trang trọng, cạnh đó là những vật dụng thiết yếu như bàn ghế, đầu kỹ thuật số bắt được nhiều kênh truyền hình, quạt máy…Quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, vợ chồng anh Viên ra đây lập nghiệp đã nhiều năm. Anh chị hiện có hai con, con trai đầu 5 tuổi và bé thứ hai mới sinh năm 2012, chưa đầy 2 tuổi. Mỗi người một vai trò, một nhiệm vụ, các anh chị là hậu phương vững chắc nơi đây, mang ước nguyện giữ yên bình cho biển đảo quê hương, như anh Hùynh Viên cho biết: “Cuộc sống ở đảo Trường Sa rất ổn định về kinh tế và đời sống. Biển đảo của chúng ta ông cha ta ngày xưa đã gìn giữ rồi, bây giờ chúng ta phải quyết tâm giữ gìn biển đảo thiêng liêng của tổ quốc ngày càng tươi đẹp và thuộc chủ quyền của chúng ta”.

Con tàu HQ571 tiếp tục hành trình thêm gần một ngày đêm trên biển thì chúng tôi cập bến đảo nổi Sơn Ca. Cả đảo sắc xanh mướt mát, cơ man nào là bàng vuông, phi lao, rau muống biển, rất thích nghi với điều kiện sống của loài chim sơn ca nên chúng thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống. Và vì thế đảo có tên Sơn Ca. Nằm trên nền san hô ngập nước, nên cũng như các đảo khác, đảo Sơn Ca cũng không có nước ngọt. Đặc biệt, hòn đảo này thường xuyên phải hứng chịu rất nhiều cơn bão. Tại đây, đại tá Nguyễn Viết Thuân, chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Trường Sa cho biết, nước ngọt rất quý giá. Một ngày, anh em mỗi người chỉ sử dụng 5 lít nước ngọt cho mọi sinh hoạt: “Người chiến sỹ trong mọi điềù kiện gian khổ như thế nào, nhưng chủ quyền dân tộc là thiêng liêng. Đợt này các kiều bào tiêu biểu, các chức sắc tôn giáo ra với Trường Sa, là nguồn động viên vô cùng to lớn. Qua đây, thay mặt quân dân huyện đảo Trường Sa, rất cảm ơn, tri ân tình cảm đặc biệt của các chức sắc tôn giáo và kiều bào đợt này ra thăm Trường Sa”.

Ấn tượng về các cán bộ, chiến sỹ qua từng nơi đoàn đến theo chúng tôi dọc suốt hải trình đến các đảo Sinh Tồn, Đá Nam, Tốc Tan, Tiên Nữ...Ngay cả ở đảo Trường Sa lớn, dù cơ ngơi khang trang, cơ sở vật chất tiện nghi đầy đủ, rau xanh không thiếu, nước ngọt đủ dùng, tăng gia sản xuất thuận lợi, điện từ năng lượng mặt trời và pin tích lũy nên quanh năm không khi nào bị thiếu. Ấy vậy mà, câu nói "chỉ thiếu tình cảm thôi" vẫn luôn được quân dân trên đảo nhắc đến. Điều đó cho thấy, Trường Sa luôn cần lắm những tấm lòng và sự động viên, khích lệ của đất liền. Trò chuyện của các chiến sỹ trên đảo Trường Sa lớn, sư cô Liên Nghiêm, một thành viên trong đoàn công tác xúc động nói: “Tất cả các giai cấp dù là các quý thầy, quý cô tu, quý thầy cô có tu được xcũng nhờ đất nước được bình yên, nhờ chủ tịch Hồ chí Minh, nếu không giờ này Phật pháp cũng không được hưng thịnh trên đất nước Việt Nam. Sư cô cũng rất mừng rằng những nơi đảo xa xôi, có những ngôi chùa Trường Sa, Sinh tồn, Song Tử Tây, có các quý thầy giữ nhiệm vụ tâm linh để các chiến sỹ yên tâm thực hành nghĩa vụ của mình”.

Trường Sa hôm nay dẫu đã có sóng điện thoại di động, việc liên lạc về với đất liền của cán bộ, chiến sỹ đã thuận lợi hơn, song khi đoàn công tác của chúng tôi cập bến thăm đảo, ai nấy đều rất đỗi vui mừng. Đối với các chiến sỹ trẻ, được đón đoàn và xem các ca sỹ của Đoàn Văn công Quân chủng 7 biểu diễn là một niềm vui lớn. Tại các đảo chìm như Tiên Nữ, Sơn Ca, Tốc Tan, Đá Nam…và nhà giàn DK1, ngay khi cập đảo, các ca sỹ, diễn viên tranh thủ biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sỹ trong chừng hơn một giờ đồng hồ rồi lại xuống tàu tiếp tục hải trình. Ở những đảo mà đoàn đến thăm, các ca sỹ, diễn viên đều hồ hởi, giao lưu thân tình với bộ đội như anh em một nhà. Riêng ở đảo Trường Sa và đảo Sinh Tồn, đoàn biểu diễn ban đêm với thời gian dài hơn, chuẩn bị chu đáo hơn. Ngồi bên nhau, họ vừa hát vừa tâm sự, trao đổi với nhau số điện thoại và hẹn ngày gặp mặt ở đất liền...Ca sĩ Phạm Hữu Thọ chia sẻ: “ Khi đến thực tế rồi mới cảm nhận được một điều là ở trong đất kliền mình may mắn hơn rất nhiều, từ đó mình có suy nghĩ rằng mình cần phấn đấu nhiều hơn. Thọ sẽ dùng lời ca tiếng hát để phục vụ các anh có thêm tinh thần làm việc tốt hơn. Khi thể hiện những bài hát đó, trong lời hát của mình luôn có tình cảm của hậu phương đối với biển đảo, thương các anh lắm, xúc động lắm, các anh hy sinh những gì sung sướng, tốt đẹp nhất để đến với biển đảo, bảo vệ đất nước, bảo vệ quê nhà”.

 "Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa /Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà... /Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em... /Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu...". Những lời hát trong ca khúc "Nơi đảo xa" của nhạc sỹ Thế Song phần nào nói hộ tâm tình người lính Trường Sa. Quả thực, hành trang của họ hôm nay, ngoài nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh thần sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, còn luôn có những tình cảm thân thương từ đất liền với đảo xa./.

Phản hồi

Các tin/bài khác