Tôn vinh sự nghiệp nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang

(VOV5) - Sáng 27/1, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức hội thảo “100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang”. 

Vì lý do sức khỏe nên nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang không đến tham dự hội thảo nhưng qua các tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà viết kịch tại hội thảo đã giúp công chúng hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật và sáng tác của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang.

Các tham luận tại hội thảo khẳng định trong đội ngũ nghiên cứu và sáng tác Tuồng, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là một trong những người đã có nhiều thành tựu to lớn nhất. Ông là một trong những người mở đường, đặt nền móng đầu tiên cho nghệ thuật Tuồng và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng lý luận sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống. Các sáng tác của ông đa dạng từ đề tài lịch sử đến hiện đại, được hầu hết các đơn vị nghệ thuật Tuồng cả nước dàn dựng và biểu diễn. Các vở Tuồng như: “Má Tám”, “Hộp truyền đơn”, “Vua Hùng kén rể”, “Quang Trung”, “Thanh gươm hát bội”, “Bà mẹ làng Sen”… được ghi nhận và trao thưởng cao tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, khán giả hâm mộ nghệ thuật Tuồng cả nước yêu thích. Ngoài các công trình nghiên cứu quan trọng, Mịch Quang còn có hàng trăm tiểu luận giá trị khác đăng trên các báo và tạp chí trong, ngoài nước từ những năm 1960 đến đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Mịch Quang, là thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh ngày 1/5/1917 tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Với những cống hiến lớn lao cho nghệ thuật truyền thống của đất nước, Mịch Quang đã được nhận các phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng nhất năm 1999; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật 2016.

Phản hồi

Các tin/bài khác