Tranh cổ động về đề tài cách mạng: vốn quý của nền mỹ thuật nước nhà

(VOV5) - Các hoạ sỹ vẽ tranh cổ động luôn là người đi đầu phản ánh đời sống xã hội bằng ngôn ngữ đồ hoạ cô đọng, súc tích, tác động mạnh mẽ đến người xem.

Tranh cổ động là thể loại xung kích của mỹ thuật nước nhà trước những sự kiện chính trị, những vấn đề thời sự của đất nước như Cách mạng Tháng 8, giải phóng miền Nam 30-04-1975, Quốc khánh 2-9, bầu cử quốc hội, các kỳ Đại hội Đảng... Các hoạ sỹ vẽ tranh cổ động luôn là người đi đầu phản ánh đời sống xã hội bằng ngôn ngữ đồ hoạ cô đọng, súc tích, tác động mạnh mẽ đến người xem, trở thành niềm động viên khích lệ tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Trong kí ức của mình, họa sĩ Trần Mai luôn nhắc về bộ tranh cổ động "79 mùa xuân" vẽ Hồ Chủ tịch, được ông giới thiệu tới công chúng trong một triển lãm cách đây 6 năm. Đó là 79 bức tranh vẽ Bác Hồ với nhiều hoàn cảnh, trạng thái khác nhau. Từ khi Bác còn là người thanh niên nung nấu quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước đến thời kì Bác hoạt động ở nước ngoài, khi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Tất cả đều được họa sĩ Trần Mai dùng gam màu chủ đạo là nâu đỏ để khắc họa chân dung một vị lãnh tụ, một danh nhân văn hóa thế giới nhưng lại vô cùng giản dị, đời thường. Cũng vì niềm kính yêu, ngưỡng mộ Bác Hồ, họa sĩ Trần Mai đã trân trọng tặng 79 bức tranh ấy để trưng bày tại nhà lưu niệm Bến Nhà Rồng. Ông nói: “Những bức này là bức sâu sắc nhất trong cuộc đời hoạt động của tôi. Anh không có tình cảm không vẽ được. Bởi vì tư liệu đâu ra mà vẽ được. Thậm chí tôi ra cả Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh rồi được sự giúp đỡ của bạn bè ở Hội Mỹ thuật Việt Nam ở các nơi, hễ có ảnh dù chỉ là một tý ở trên các báo ở Pháp thì tôi cũng lưu lại được hết. Như thế mới có được 79 bức chứ”.


Tranh cổ động về đề tài cách mạng: vốn quý của nền mỹ thuật nước nhà - ảnh 1
Một số tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Trần Mai tại triển lãm “79 mùa xuân”. Ảnh: vnca.cand.com.vn

Tranh cổ động về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những chủ đề quen thuộc của các họa sĩ. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhớ lại: trong những năm tháng gian khổ của đất nước, tranh cổ động chính trị nói riêng là thể loại rất phát triển. Không một họa sĩ nào của thời kì ấy không vẽ ít nhất 1-2 tranh cổ động. Những người chuyên nghiệp có thể vẽ hàng trăm tác phẩm. Nhiều bức tranh cổ động được vẽ lên tường, được in báo truyền vào tận Miền Nam. Mỗi bức tranh cổ động đều ẩn chứa nhiều thông điệp cổ vũ lòng người. Mặc dù nhiệm vụ và vị trí của tranh cổ động là ở những không gian công cộng, trên những đường phố nhưng không ít tác phẩm tranh cổ động được giới thiệu tại triển lãm mỹ thuật lớn: “Hồi ấy có nhiều triển lãm tranh cổ động và tranh tuyên truyền. Thứ hai là tổ chức các triển lãm chống nạn mù chữ rồi ngày 19-08 là khởi nghĩa, 2/9 ở Ba Đình tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì ngay sau đó đã có triển lãm văn hóa với hơn 200 tác phẩm nhưng có đến 40-50 tác phẩm mỹ thuật ở đó rồi. Và tiếp tục các triển lãm ở Tràng Tiền của các họa sĩ. Năm 1946 trong hoàn cảnh chuẩn bị kháng chiến như vậy thì vào dịp kỉ niệm Quốc khánh thì các họa sĩ đã có triển lãm Tháng Tám. Tranh cổ động đương nhiên được trưng bày trong các triển lãm mỹ thuật nói chung”.

Tranh cổ động về đề tài cách mạng: vốn quý của nền mỹ thuật nước nhà - ảnh 2
Tranh cổ động trong bộ sưu tập "Một khí thế cách mạng" (Ảnh: Phương Thúy)

Tiếp tục mảng tranh cổ động về đề tài Cách mạng, các họa sĩ trẻ ngày nay đã có nhiều sự tìm tòi trong cách thể hiện. Họa sĩ Lưu Ngọc Phan đã tham gia nhiều cuộc vận động sáng tác về đề tài cách mạng cho biết: họa sĩ trẻ bây giờ cảm nhận về quá khứ không chỉ bằng tư liệu lịch sử mà còn thông qua những tác phẩm thơ, nhạc. Đó là chất xúc tác để họa sĩ sáng tạo: “Nhiều họa sĩ, chỉ nghe một câu trong bài hát thôi là thành tác phẩm. Nếu như cần phải tìm tòi thì qua các phim tư liệu, các bài hát, nhất là các bài hát, bài thơ hoặc là những câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói chung là phải nắm bắt được bao quát, phải hiểu lịch sử thì từ đó mới ra được tác phẩm”.

Hiện nay, tranh cổ động đang đứng trước nhiều sự lựa chọn trong phương thức sáng tác. Nhờ công nghệ, họa sĩ có thể vẽ tranh cổ động trên máy tính dễ dàng hơn. Điều này cũng tạo ra thách thức cho người vẽ, bởi rất dễ lặp lại mô típ cũ, đặc biệt là với đề tài chiến tranh cách mạng vốn vô cùng quen thuộc với bao thế hệ họa sĩ. Cũng chính vì hình thức sáng tác có nhiều thay đổi, số lượng dồi dào và lực lượng vẽ tranh ngày càng đông đảo, ngày nay tranh cổ động được sử dụng rộng rãi, phổ biến trên nhiều lĩnh vực hơn. Tuy vậy, tranh cổ động về đề tài cách mạng vẫn luôn là vốn quý của nền mỹ thuật nước nhà, gắn liền với một thời kì đấu tranh bền bỉ vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác