Đài Tiếng nói Việt Nam đồng hành cùng công chúng trong bão lũ

(VOV5) - Nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ những người làm báo Đài TNVN đã góp phần đảm bảo công tác tuyên truyền về thiên tai, bão lũ trên các nền tảng truyền thông.

Bão Yagi, cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông, và hoàn lưu sau bão đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản tại 26 tỉnh, thành miền Bắc Việt Nam.

Ngay từ khi cơn bão đổ bộ, nhiều phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN - VOV) không ngại nguy hiểm, đi vào vùng tâm bão, rốn lũ để tác nghiệp. Nhờ đó, Đài TNVN liên tục cập nhật những thông tin chân thực nhất đến khán, thính, độc giả cả nước.

 Ngay khi có thông tin về bão Yagi, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã họp khẩn và đưa ra quyết định huy động các phương tiện và kỹ thuật tốt nhất, những phóng viên giỏi nghề hỗ trợ cho 2 cơ quan thường trú tại khu vực Đông Bắc và Tây Bắc, nơi bão Yagi có thể tác động trực tiếp, để tác nghiệp trong bổi cảnh thiên tai khắc nghiệt. 

Đài Tiếng nói Việt Nam đồng hành cùng công chúng trong bão lũ - ảnh 1 Ảnh minh họa. Nguồn: VOV1

Trong mưa bão, đội ngũ phóng viên, nhà báo của Đài TNVN đã kịp thời có mặt tại những vùng khó khăn, phức tạp nhất tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái… liên tục cập nhật thông tin về tình hình sạt lở, cứu trợ, cứu nạn người dân trong mưa bão.

Các phóng viên tác nghiệp trong điều kiện 3 không: Không điện, không liên lạc, không nước sạch; và đã phải vượt qua những thời khắc nguy hiểm khi xung quanh cây gãy đổ nhiều, các biển báo, biển quảng cáo, kính trên cao rơi xuống, thậm chí có thể bị gió bão cuốn bay… để đảm bảo an toàn tác nghiệp, gửi tin bài sớm nhất về tòa soạn.

Đài Tiếng nói Việt Nam đồng hành cùng công chúng trong bão lũ - ảnh 2 Phóng viên Đình Hoàn (Kênh VTC14) tác nghiệp tại thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Ảnh: vtcnews.vn

Phóng viên Vũ Miền, cơ quan thường trú Đài TNVN khu vực Đông Bắc, nhớ lại: "Điều chúng tôi lo lắng nhất là không có phương tiện liên hệ về Đài. 5 giờ bão đổ bộ vào Quảng Ninh đó là khoảng thời gian tôi thấy dài nhất và có lẽ bất lực nhất vì không thể liên hệ với gia đình, không liên hệ được với cơ quan và chuyển tin tức địa phương về đài phát sóng. Tôi thường dành buổi sáng đi phỏng vấn, quay clip, chụp ảnh và căn khoảng 10h là di chuyển tới trụ sở gần nhất để gửi tin về Đài, với mong muốn chuyển được những thông tin mới nhất, thời sự nhất về bão Yagi cho người dân."

Từ Hà Nội, Ban Thời sự (VOV1) của Đài TNVN mở sóng liên tục để cập nhật tin tức từng phút. Nhóm phóng viên Ban Thời sự cũng đã tỏa đi các các địa phương Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ và các huyện ngoại thành Hà Nội. Các cầu phát thanh trực tiếp trên sóng VOV1 đã phản ánh sinh động về công tác phòng, chống bão lũ tại các tỉnh, thành. Là một trong những nhóm phóng viên nhận nhiệm vụ tác nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên ngay khi địa phương này bị ngập lụt nghiêm trọng, nhà báo Hoàng Quang Huy cảm nhận rõ điều này. "Thực tế tác nghiệp tôi mới thấy làm báo phát thanh có thể phát huy hiệu quả trong mưa lũ, khi điều kiện thời tiết như vậy. Tại Thái Nguyên, điện và nước đều bị cắt, chỉ với 1 chiếc điện thoại trong tay tôi có thể nhanh chóng cập nhật tin tức nhanh nhất tình hình phòng chống thiên tai, đặc biệt tại các vùng bị chia cắt, cô lập do bão lũ; đưa tin bài trên làn sóng phát thanh nhanh nhất và những hình ảnh trên các nền tảng số của VOV1."

Đài Tiếng nói Việt Nam đồng hành cùng công chúng trong bão lũ - ảnh 3Phóng viên kênh VOV2 tác nghiệp trong mưa lũ ở Tuyên Quang. Ảnh: vtcnews.vn

Trực tiếp có mặt tại hiện trường, các nhà báo, phóng viên cũng là những người thấu hiểu rõ nhất những đau thương, mất mát mà người dân các vùng bị thiên tai phải hứng chịu những ngày qua. Phóng viên Nguyễn Đình Hoàn, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, kể lại: "Kênh VTC14 đã có 10 ekip tác nghiệp trong cơn bão Yagi và mưa lũ. Tôi tác nghiệp tại Lào Cai và Yên Bái. Đầu tiên, chúng tôi tác nghiệp tại Yên Bái vào lúc tình hình mưa lũ sạt lở rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi biết được thông tin lũ quét ở Làng Nủ ở Lào Cai đã khiến cho toàn bộ ngôi làng cùng hàng trăm người dân bị thiệt mạng và mất tích, thì ngay lập tức chúng tôi đã chuyển từ Yên Bái tới Lào Cai. Khi đến hiện trường, chúng tôi sững sờ và đau xót khi thấy toàn bộ khu vực đó tan hoang, không còn gì cả. Đó là những hình ảnh rất xót xa. Chúng tôi cũng thấy lực lượng cứu hộ đã nỗ lực như thế nào."     

Trong bối cảnh bị cô lập hoàn toàn trong bão, lũ, đặc biệt, khi nước dâng cao, điện bị cắt để đảm bảo an toàn, người dân các vùng bão lũ gần như không truyền hình, không đèn điện, mạng internet gián đoạn, điện thoại cũng hết pin, chiếc radio là nguồn thông tin chủ yếu và chính thống nhất, hỗ trợ cho mọi người. 

"Chúng tôi có radio để nghe thông tin. Điện bị mất, chúng tôi chẳng có gì dùng, bây giờ cần radio để bà con người biết thông tin."

"Các phương tiện để liên lạc với gia đình rất khó. Sóng điện thoại thì bập bõm nhưng tôi vẫn nghe Đài hàng ngày vì đây là thói quen của tôi. Sóng Đài vẫn rất tốt. Nhờ sóng Đài mà tôi còn cập nhật tình hình của địa phương và thêm tình hình của Lào Cai, Yên Bái..."

Trên sóng phát thanh của Đài TNVN, các bản tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết bất thường, những chỉ đạo khẩn về mưa lũ từ Trung ương được phát liên tục với tần suất dày đặc. Ngoài ra còn có các thông tin hướng dẫn người dân cách ứng phó và đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Đối với bà con dân tộc thiểu số ở xã vùng cao Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, trong đó có ông Vừ A Thống, đây là một trong những kênh thông tin quan trọng.     

Đồng bào vùng cao chúng tôi thường xuyên nghe chương trình, vì nhiều khi không có mạng, cũng không xem được truyền hình... Nhất là trong những ngày mưa lũ này thì các bản tin của đài liên tục có các thông tin về phòng chống bão lũ để chúng tôi nắm bắt và chủ động phòng tránh, bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình.

Tại cuộc họp Bộ Chính trị chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão Yagi ngày 09/09, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá: "Các lực lượng, đặc biệt là quân đội công an, các cơ quan dự báo thời tiết, các ngành nông nghiệp nông thôn giao thông điện lực, các cơ quan truyền thông, Đài truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam đã rất sâu sát quyết liệt trong chỉ đạo và huy động tối đa lực lượng, chủ động đối phó kể cả trong dự báo đã chủ động, ứng phó từ sớm từ xa kịp thời khắc phục những hậu quả do cơn bão gây ra. Đài Tiếng nói Việt Nam làm rất tốt, hướng dẫn, cập nhật liên tục hàng giờ hàng ngày và phổ biến thông tin trên diện rất rộng."

Nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ những người làm báo Đài TNVN đã góp phần đảm bảo công tác tuyên truyền về thiên tai, bão lũ trên các nền tảng truyền thông, qua đó, giúp người dân giảm thiểu nhiều rủi ro, thiệt hại trong đợt thiên tai vừa qua.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác