Để shipper Nghề “hot” trong thời đại 4.0

(VOV5) - Trong bối cảnh dịch Covid-19, khi nghề shipper càng có nhiều cơ hội phát triển trong thời đại số, song bên cạnh đó cũng là những mối nguy tiềm ẩn về sức khỏe, tinh thần.

Nhờ sự bùng nổ của công nghệ và xu hướng mua sắm online, ngành nghề vận chuyển hàng hoá, hay còn gọi là nghề shipper đang ngày càng phát triển. Một công việc đơn giản, linh hoạt về thời gian, tiền tươi thóc thật trở thành nghề hot ở những thành phố lớn. Tuy nhiên, quyền lợi của một bộ phận shipper tham gia vào mô hình "kinh tế chia sẻ" chưa được đảm bảo là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, khi nghề shipper càng có nhiều cơ hội phát triển trong thời đại số, song bên cạnh đó cũng là những mối nguy tiềm ẩn về sức khỏe, tinh thần.

 Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
 Những ngày này, giữa cao điểm dịch bệnh, cộng với cái nắng như thiêu như đốt khiến phố phường vắng hoe. Thế nhưng, đây lại là thời điểm vàng của nghề shipper.

Tại một hàng ăn nổi tiếng trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, các shipper trong trang phục quần áo, khẩu trang kín mít, nêm chật trong quán, tràn ra cả ngoài đường chờ mua hàng. Không nhớ đây là chuyến hàng thứ bao nhiêu trong ngày, nhìn list đơn dày chi chít, Nguyễn Văn Trọng, một tài xế của Baemin nóng ruột như ngồi trên đống lửa:

“Từ khi thành phố cấm các cửa hàng ăn uống bán tại chỗ thì đơn đồ ăn “nổ” liên tục, nhất là giờ cao điểm buổi trưa từ 11h - 13 h, lượng đơn hàng tăng đến 50%. Khách gọi đông lắm, nhiều quán ăn đông kín anh em đợi hàng...”

Để shipper Nghề “hot” trong thời đại 4.0 - ảnh 1Ảnh minh họa. vov

Sự lên ngôi của mua sắm trực tuyến đã kéo theo việc ra đời của nhiều ứng dụng đặt hàng online và các hình thức giao nhận hàng hóa. Vai trò của đội ngũ shipper bởi thế ngày càng quan trọng khi họ chính là cầu nối giữa đơn vị kinh doanh với người mua hàng trong nền kinh tế chia sẻ.

Tiếng bấm điện thoại tìm đơn ship hàng: “Cái này là cái app snide ship đổi giao diện thành on driver. Mình tải app về nó liên kết với facebook mình vào là tìm đơn, không phải mất phí.

Chỉ với vài thao tác đơn giản, đăng nhập vào phần ứng dụng “On driver”, Nguyễn Văn Cường, một shipper tự do ở Tây Mỗ, Hà Nội đã nhanh chóng tìm được đơn hàng mà không phải chi trả bất kỳ khoản phí nào. Cường cho biết, có hàng chục ứng dụng giao hàng tương tự như “On driver” có thể giúp các shipper kết nối với khách hàng chỉ sau vài “tích tắc”:

"Bây giờ có rất nhiều app, kể cả grap hay bee trước đây chỉ chở người nhưng bây giờ cũng có ship hàng, ship đồ ăn. VD như grap chỉ tải về xong ra 76 duy tân ra đăng ký, cầm giấy tờ theo là bạn có thể đăng ký được và chạy luôn.”

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, bất kể mặt hàng nào cũng có thể được bán trên mạng. Đi theo hình thức kinh doanh này, dịch vụ giao hàng cũng “gặp mùa”. Với các yêu cầu đơn giản, không đòi hỏi bằng cấp, kèm mức thu nhập hấp dẫn, số người gia nhập “đội ngũ shipper” ngày càng trở nên đông đảo hơn với đủ giới tính, độ tuổi.

Chị Đặng Thị Thanh Thảo, 47 tuổi ở Hà Nội, gắn bó với công việc giao hàng cho Viettel Post được hơn 2 năm. Trước khi trở thành một nữ tài xế, chị từng là một giáo viên mầm non.

Từ bỏ một nghề “nắng không đến mặt, mưa không đến đầu” để làm một công việc “dầm mưa dãi nắng”, chị Thảo cho rằng, một công việc thoải mái về thời gian và ít áp lực là lựa chọn đúng đắn đối với chị: “Trước mình làm giáo viên mầm non nhưng ông bà ốm nhiều quá nên mình không thể đi làm mà nghỉ nhiều như thế, bắt buộc mình phải ra ngoài xin đi làm tự do. Và làm như thế này chị vẫn có thể chăm ông bà được, đưa đón con đi học được. Cũng có những công việc như ở nhà, nấu ăn giúp việc cho gia đình thế nhưng cũng đã làm thử rồi, tớ yêu thích công việc này và gắn bó với nó hơn hai năm. Còn mình đi làm ở kia nắng mưa không đến mặt nhưng trông trẻ rất áp lực.”

Với những shipper, thu nhập là yếu tố chính thu hút họ. Mức thu cho mỗi đơn hàng giao trong nội thành khoảng 20-40.000 đồng, tùy vào khoảng cách và tính chất hàng hóa. Nếu siêng năng và biết cách săn đơn, một shipper có thể kiếm được 600.000 - 700.000 đồng mỗi ngày. Công việc này lôi cuốn đến nỗi, nhiều nhân viên văn phỏng bỏ việc, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không chọn làm đúng nghề mà quyết định tìm đến nghề shipper để mưu sinh.

Anh Phạm Đình Duy, tốt nghiệp ngành kỹ thuật của một trường Trung Cấp, làm nghề shipper tự do ở Hà Nội được hơn 10 năm cho biết, thu nhập của shipper “ăn đứt” nhiều công việc văn phòng khác: “Nếu cho mình chọn lại thì mình vẫn làm shipper vì lương ổn định hơn nhà nước  nhưng mà phải biết cách. Trước mình cũng làm kế toán kho của tư nhân, nhưng lương chỉ được 4.5 triệu. Một thời gian thì mình nghỉ bây giờ chuyển sang nghề shipper này. Nếu mà người nào biết dành dụm ở đất Hà Nội thì thu nhập cũng được. Trung bình tầm mười lăm triệu, còn nếu cao hơn tầm 30-40 triệu cũng có. Có hôm chạy cả đêm thu nhập được khoảng 1.5 triệu một ngày.”

Để shipper Nghề “hot” trong thời đại 4.0 - ảnh 2Những khó khăn của nghề giao hàng. Ảnh minh họa/ Vũ Yến

Khác với trường hợp “nhảy việc” như Duy, Nguyễn Văn Hà - sinh viên năm cuối một trường ĐH ở Hà Nội lại chọn nghề shipper như 1 công việc tăng gia. Hà tiết lộ, thu nhập bình quân của 1 sinh viên đi làm thêm thế này khoảng 5 triệu/ tháng. Dù không phải là 1 công việc thuộc chuyên ngành, cũng chẳng được “trải nghiệm” môi trường công sở ra sao, song công việc này cũng ít nhiều đem lại những bài học thực tế cho Hà: “Đi làm để kiếm thêm chút tiền cho việc đi chơi, chi trả sinh hoạt cá nhân. Bản tính khoái vi vu, đi lại loanh quanh cũng thư giãn được đầu óc nên là em đi làm thêm nghề này.”

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hơn 60% người dân Việt Nam tiếp cận internet, 98% trong đó đang mua hàng qua mạng. Dịch vụ giao nhận tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh bởi thế ngày càng nở rộ. Không chỉ những ông lớn về dịch vụ chuyển phát như Viettel Post, EMS, VNPost, mà các công ty start-up (giaohangnhanh, supership, giaohangtietkiem) và những doanh nghiệp nước ngoài (Grap, Now, Baemin, Lalamove) cũng nhảy vào chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này. Mỗi công ty, doanh nghiệp lại thu hút hàng chục nghìn lao động làm nghề giao nhận hàng hóa.

Anh Đặng Nhật Minh, cán bộ quản lý chất lượng tài xế cho ứng dụng LaLamove Hà Nội chia sẻ: “Từ 2017 khi chúng tôi đặt chân vào VN chúng tôi xác định đây là một thị trường rất tiềm năng, với rất nhiều cơ hội. Trước đây người dân quen với các hình thức mua hàng truyền thống. Thì hiện nay với những ứng dụng giao hàng thông minh chỉ rất nhanh, thời gian phục vụ tính theo phút, chứ không phải theo ngày như trước kia.” 

Nếu như năm 2013 chỉ có vài công ty thì đến nay thị trường đã có hàng chục cái tên khác nhau trong lĩnh vực giao vận, quy mô cũng ngày một lớn hơn. Chưa kể, những người làm shipper tự do. Sự phát triển phong phú đa dạng của nghề này không chỉ tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân mà còn tạo nên bức tranh sống động cho thị trường giao nhận hàng hóa tiêu dùng, là một mắt xích không thể thiếu của cỗ máy thương mại điện tử hiện nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác