Hợp tác Nga - Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế

(VOV5) - Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống quý giá Việt Nam – Liên bang Nga liên tục phát triển. 

Trong khuôn khổ các hoạt động của năm chéo: Năm Nga tại Việt Nam và năm Việt Nam tại Nga, ngày 04/06, tại Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga ở thủ đô Matxcơva (Liên bang Nga) đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Hợp tác Nga - Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế.”

Hội thảo có sự tham gia của các viện sỹ, chuyên gia, học giả từ các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu của Nga và đoàn cấp cao của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do chủ tịch Viện, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn dẫn đầu.

Hợp tác Nga - Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế - ảnh 1 Toàn cảnh hội thảo.

Nghe âm thanh tại đây:

Với 13 tham luận được chuẩn bị kỹ lưỡng, hội thảo khoa học quốc tế đã tập trung thảo luận về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thế kỷ 21, triển vọng phát triển hợp tác đầu tư trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam, những tác động của bối cảnh quốc tế, toàn cầu hóa đối với kinh tế Nga và Việt Nam, so sánh mô hình phát triển kinh tế Nga và Việt Nam, đồng thời đưa ra những đánh giá sâu sắc về thực trạng và triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga trong các lĩnh vực chiến lược như kinh tế - thương mại, tài chính - đầu tư, kinh tế số, dầu khí...

Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn đã khái quát về tiến trình toàn cầu hoá trong hai thập kỷ đầu thế kỷ 21, đặt ra những cơ hội và thách thức mới cho mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam và Liên bang Nga. Ông tập trung phân tích những đặc điểm, nội dung và xu thế mới của toàn cầu hóa, nhận diện những tác động của toàn cầu hóa tới quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga hiện nay, đồng thời khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống quý giá Việt Nam – Liên bang Nga, dù phải chịu những tác động tiêu cực nhất định từ toàn cầu hoá, song với đường hướng rõ ràng và những chuyến thăm thường xuyên của giới lãnh đạo cấp cao hai nước, quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga liên tục phát triển.

Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, GS.TS kinh tế Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh: “Chúng ta phải đổi mới trong nhận thức, ví dụ chúng ta phải xuất phát từ tư duy thị trường, hai nước bây giờ đều là nền kinh tế thị trường. Việt Nam đã khẳng định là nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, hiện đại và định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải căn cứ vào nhu cầu, lợi thế, lĩnh vực cụ thể của hai nước để tăng cường hợp tác có tính chiến lược, lâu dài”.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, PGS,Tiến sĩ  khoa học Vladimir Mazyrin khẳng định các nhà đầu tư của Việt Nam luôn được chào đón tại Nga, và thực tế nguồn vốn đầu tư của Việt Nam tại Nga cũng lớn hơn ở chiều ngược lại. Ông mong muốn tháo gỡ những tồn tại, trước hết trong lĩnh vực dầu khí, vốn là thế mạnh của Nga.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn An Hà đặt vấn đề: “Với hơn 4 tỷ USD về trao đổi thương mại đầu tư đạt được giữa hai nước trong năm 2018, chúng ta vẫn còn quá xa để có thể đạt tới mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020”.

Theo  GS.TS Aleksei Kuznetsov-Viện Thông tin khoa học xã hội-Viện Hàn lâm khoa học Nga, cần tập trung vào 3 hướng để thúc đẩy hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga: “Thứ nhất là hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng của Nga, các Viện, trường đều có nhiều các chuyên gia, nhưng chưa có sự giúp đỡ thường xuyên cho các doanh nghiệp. Hai nước cần có các dự án chung về vấn đề này. Thứ hai là phát triển mạnh lĩnh vực du lịch. Thứ ba là khai thác vị trí địa lý của Việt Nam- cửa ngõ vào các nước ASEAN. Hiện nay sự hiện diện về đầu tư, thương mại của Nga vào khu vực này còn ít...”.

Chủ đề thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Nga của hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi. Các nhà khoa học đã nhìn nhận những kết quả đạt được thời gian vừa qua, chỉ ra nguyên nhân khiến hợp tác chưa tương xứng tiềm năng. Hội thảo cũng đưa ra những khuyến nghị nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước với các cơ quan chức năng để làm định hướng xây dựng chính sách trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước xứng đáng là đối tác chiến lược toàn diện.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác