Huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam

(VOV5) - Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.

Hôm qua (27/10), tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) tổ chức hội thảo tham vấn hoàn thiện dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố Chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam - ảnh 1Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Lê Phương/VOV5

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lê Công Thành, nhấn mạnh JETP là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả lộ trình phát triển carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu; đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0.

Thông qua Tuyên bố JETP, các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam, như: chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh…

Huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lê Công Thành, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Lê Phương/VOV5

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: "Kế hoạch huy động nguồn lực là bước đầu để triển khai thực hiện Tuyên bố. Kế hoạch đề ra danh mục các dự án cụ thể để huy động tài chính từ các đối tác, nguồn tài chính do các đối tác cam kết. Đến thời điểm hiện nay, nguồn tài chính do các đối tác cam kết huy động mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần phát huy sự sẵn sàng tham gia của các đối tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu mới, huy động tối đa nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, góp phần thực hiện mục tiêu tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26".

Tại hội thảo, các đại biểu góp ý về danh mục các dự án đầu tư; danh mục các dự án hỗ trợ kỹ thuật; danh mục các hành động chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng giai đoạn 2024 -2028... Trên cơ sở các ý kiến đóng của các đại biểu, Ban Thư ký sẽ tổng hợp, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch nêu trên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác