Nhiều hoạt động thiết thực góp phần xoa dịu nỗi đau da cam

(VOV5) - Năm nay, Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đặt mục tiêu vận động trên 2 tỷ đồng (79,3 nghìn USD) để chi hỗ trợ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho các nạn nhân da cam. 

Năm nay là 63 năm ngày quân đội Mỹ rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam (1961 - 2024). Hơn 60 năm đã trôi qua, song nhiều gia đình Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc này. Chính quyền các địa phương nỗ lực đồng hành cùng họ trong việc khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin.

Nhiều hoạt động thiết thực góp phần xoa dịu nỗi đau da cam - ảnh 1Thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN

Nghe âm thanh tại đây: 

 Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương trong cả nước đang làm tốt công tác này. Thành phố hiện có khoảng 5.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 1.400 là trẻ em. Nhiều gia đình có từ 2 đến 3 nạn nhân chất độc da cam. Các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam và khuyết tật nhiều dạng, như: khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật hệ vận động.... Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố đã vận động các tổ chức từ thiện, nhiều nhà hảo tâm đóng góp hàng trăm tỷ đồng để giúp đỡ nạn nhân vượt qua khó khăn. Chị Hồ Thị Láng, ở xã Hoà Phước, huyện Hoà Vang, bị khuyết tật vận động, là một trong số nhiều nạn nhân da cam nhận được sự hỗ trợ từ địa phương. Hằng tháng, chị được nhận 600.000 đồng (khoảng 23,7 USD) theo chế độ, đồng thời được tạo điều kiện mở quán buôn bán tạp hoá để có tiền nuôi con nhỏ và phụ giúp cha mẹ cao tuổi. Vừa qua, gia đình chị được hỗ trợ làm căn nhà mới. Đây là niềm vui lớn với gia đình: “Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố đã hỗ trợ xây nhà, giúp gia đình tôi có chỗ tránh mưa, tránh bão. Địa phương giúp đỡ rất nhiều vốn làm ăn, giúp tôi vượt qua khó khăn, có thêm động lực hơn trong cuộc sống”.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã xây mới 14 căn nhà, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực khác với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng (396,5 nghìn USD). Ông Nguyễn Hùng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Nhiều năm qua, Hội đã triển khai nhiều hoạt động để vận động nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà, hỗ trợ vốn sinh kế trong chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ cho các cháu nạn nhân da cam có học bổng… cũng như nhiều chương trình hỗ trợ khác để giúp họ giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống, giúp họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Đó là trách nhiệm mà Hội luôn phấn đấu triển khai hằng năm”. 
Nhiều hoạt động thiết thực góp phần xoa dịu nỗi đau da cam - ảnh 2Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ảnh: TTXVN

13 năm qua, “Chương trình chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” do Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các địa phương và Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam triển khai đã vận động đồng bào, chiến sĩ cả nước chung tay, góp sức ủng hộ để hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh, học nghề, xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam nghèo, khó khăn trên cả nước.

Năm nay, Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đặt mục tiêu vận động trên 2 tỷ đồng (79,3 nghìn USD) để chi hỗ trợ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; hỗ trợ vốn sản xuất, xây mới, sửa nhà, hỗ trợ gia đình nạn nhân da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, kêu gọi: "Việt Nam hiện nay vẫn còn hàng triệu nạn nhân chất độc da cam, họ mang trong mình nhiều bệnh tật hiểm nghèo, với những nỗi đau cả về thể chất và tinh thần. Họ cần lắm sự chia sẻ và chung tay của toàn xã hội để xoa bớt nỗi đau, vất vả".

Cùng với sự hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình nạn nhân, từ năm 2010, nhiều cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Việt Nam đã tham gia chương trình xông hơi thải độc tại Trung tâm bảo trợ xã hội nạn nhân da cam/dioxin các tỉnh, thành phố, góp phần cải thiện phần nào sức khỏe cho những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Cựu chiến binh Trần Xuân Đài, tỉnh Ninh Bình, cho biết: “So với ngày đầu, lúc đấy tôi ăn uống không ngon miệng, ngủ ít, mức độ ngứa bên trong cơ thể nhiều. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy độ ngứa giảm dần, ngủ được nhiều hơn, ăn ngon hơn, tinh thần, trí tuệ sảng khoái hơn”. 

Ngoài hoạt động xông hơi thải độc, tại Trung tâm, các nạn nhân da cam được chăm sóc sức khỏe, tập thể dục, thể thao, đồng thời, Trung tâm còn tổ chức những lớp học nghề, hướng nghiệp cho các nạn nhân thế hệ sau bị nhiễm di chứng da cam/dioxin.

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giúp cuộc sống của các nạn nhân da cam/dioxin đang được triển khai ở các địa phương của Việt Nam. Sự chung tay của toàn xã hội đã tạo động lực, giúp các nạn nhân và gia đình họ vươn lên trong cuộc sống.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác