Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

(VOV5) - Các đại biểu đánh giá cao những kết quả Việt Nam đạt được trong công tác bình đẳng giới thời gian qua.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hôm nay (29/5), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Các đại biểu đánh giá cao những kết quả Việt Nam đạt được trong công tác bình đẳng giới thời gian qua.

Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới - ảnh 1Quang cảnh phiên họp ngày 29/5. Ảnh: quochoi.vn

Tính đến cuối năm 2023, có 11/20 chỉ tiêu Việt Nam đã đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược Bình đẳng giới đến năm 2025. Ngoài ra, còn có 3 chỉ tiêu đạt một phần so với mục tiêu đề ra, 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ được ông Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, chỉ rõ:Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới thời gian qua có thể nói ấn tượng nhất và quyết tâm nhất chính là bình đẳng giới trong nhiệm vụ chính trị. Chúng ta thấy các cán bộ chủ chốt nữ, nữ đại biểu quốc hội chiếm tỷ lệ rất cao và đại đa số các tỉnh đều có nữ là cán bộ chủ chốt. Đây là một quyết tâm rất lớn bởi vì từ đó sẽ lan tỏa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ nữ, vấn đề bình đẳng giới được cụ thể hóa hơn và hiệu quả hơn.

Ấn tượng với chỉ tiêu tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương năm 2023 vượt chỉ tiêu, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cho rằng:Trong 20 chỉ tiêu thì có 3 chỉ tiêu liên quan tới sự góp của lao động nữ. Ví dụ trên 50% là lao động nữ có việc làm. Vai trò của phụ nữ cũng đã được khẳng định bởi vì phụ nữ có việc làm, phụ nữ chứng tỏ được vị thế của mình. Điều đó thể hiện rõ nét tiến bộ về bình đẳng giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh, bà Hoàng Thị Thu Hiền, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, đề xuất:Cần nhận diện bình đẳng giới một cách thực chất hơn nữa. Để kiểm soát tốt hơn tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, cần tăng cường nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tổ chức các chiến dịch truyền thông với thông điệp rõ ràng, để tạo sự đồng thuận cho xã hội cùng chung tay thực hiện.

Cùng với đó, tuân thủ quy định của Bộ Luật Dân sự về quyền bình đẳng của phụ nữ trong việc nối dõi, thừa kế, xây dựng hệ thống gia đình linh hoạt phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác