(VOV5) - Những bức ảnh quý giá trong triển lãm ảnh đã khắc họa giá trị cuộc sống nơi đảo xa một cách chân thực, đời thường và cũng rất anh hùng, nêu bật hình ảnh về những người lính đứng gác ở tuyến đầu Tổ quốc.
Trong đoàn công tác số 8 ra thăm động viên quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2017, ngoài các kiều bào từ hơn 20 nước trên thế giới còn có 5 thành viên của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. 6 tháng sau hành trình đáng nhớ, các thành viên của trường đã quyết định cho ra mắt một triển lãm ảnh và sách ảnh với tên gọi “Trường Sa xin đến một lần”.
Bức ảnh xuồng CQ đưa đoàn công tác vào đảo tại triển lãm. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Triển lãm ảnh “Trường Sa xin đến một lần”, diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm giải phóng thủ đô 10/10, gói gọn trong đó là hơn 70 bức ảnh tái hiện lại một góc nhỏ của hành trình 10 ngày trên biển. Từ hình ảnh những hòn đảo nhỏ bé giữa đại dương, những chiếc xuồng chủ quyền chuyển tải ra vào đảo đến đời sống của những người dân trên đảo và các chiến sĩ hải quân kiên nghị trước sóng gió biển khơi … Để có được buổi triển lãm này ngoài sự vào cuộc của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội còn có sự phối hợp của Hội Luật gia Việt Nam, Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Hải quân) và các thành viên trong đoàn công tác số 8 năm 2017 thăm quân dân Trường Sa.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam (thứ hai từ trái sang, hàng trên) cùng Ban Giám hiệu Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và đại diện Bộ Tư lệnh hải quân cắt băng khai mạc triển lãm ảnh. |
Tham dự buổi lễ cắt băng khai mạc triển lãm ảnh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết những bức ảnh quý giá của 5 thành viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã ghi lại những giá trị cuộc sống nơi đảo xa một cách chân thực, đời thường và cũng rất anh hùng, nêu bật hình ảnh những người lính phải chịu đựng gian khổ nhưng vẫn vui tươi, yêu đời.
70 bức ảnh chưa phải là nhiều, chưa phải thật sự chuyên nghiệp và cũng chưa nói hết được những gì diễn ra trong suốt hành trình mà đoàn đã đi qua và cảm nhận được. Nhưng ẩn chứa trong các bức ảnh chân thực và sống động ấy là niềm xúc cảm của những người con Việt lần đầu được ra thăm quần đảo Trường Sa. Ông Trần Văn Hải, trưởng đoàn Trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội thăm Trường Sa năm 2017, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết đoàn thật may mắn đã được đặt chân đến Trường Sa và triển lãm ảnh này là một món quà với những ai chưa có cơ hội được đến: “Chúng tôi muốn chuyển đến một thông điệp đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Sân khấu - Điện ảnh, thông qua công tác giảng dạy nghệ thuật, hiểu và nắm rõ được chủ trương của đảng về chính sách trong công tác biển đảo và chủ quyền của đất nước”.
Một bức ảnh tại triển lãm "Trường Sa xin đến một lần" |
Theo ông Hải, triển lãm và sách ảnh về Trường Sa cũng là một sự tri ân, động viên các chiến sĩ, nhân dân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đến triển lãm, xem lại các bức ảnh ghi lại đời sống tinh thần ở ngoài đảo xa, anh Nguyễn Minh Giáp, người Việt ở Hàn Quốc, cùng tham gia hải trình Trường Sa 2017, vô cùng xúc động: “Khi cầm trên tay cuốn sách ảnh, tôi có cảm giác như một lần nữa được trở về với Trường Sa. Trong điều kiện khó khăn gian khổ về môi trường sống như thiếu rau xanh, điện, nước sạch nhưng hình ảnh của các chiến sĩ, những em bé đang vui đùa, tôi nhìn thấy màu xanh hy vọng đang nhen lên nơi đảo xa. Nhìn các em nhỏ, tôi thấy mầm non tương lai của đất nước vẫn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc”.
Với tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, kiều bào Nga, trong hơn một phần ba thế kỷ, đã đi nhiều nơi, gặp rất nhiều người nhưng chưa một chuyến đi nào để lại ấn tượng sâu sắc trong ông như khi đến với Trường Sa: “Thứ nhất, tôi thấy biển đảoTổ quốc mình vô cùng thiêng liêng. Tôi rất xúc động. Điều thứ hai là tôi chưa bao giờ thấy một tập thể gắn bó với nhau đầy tình nghĩa tình đồng bào, thân ái như thế trong cả hành trình 10 ngày trên biển. Điều thứ ba là đi đến Trường Sa đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng rất tốt đẹp về cuộc sống của những người lính trên đảo, ngoài ra còn thấu hiểu, chia sẻ với họ về cuộc sống gian khổ ở ngoài đảo. Khi chúng tôi đến đảo Cô Lin, là một đảo chìm, tôi gặp một chiến sĩ còn rất trẻ và hỏi: Cuộc sống của các cháu ở đây như thế nào? Anh lính nói: chú ơi hôm nay đón đoàn, chúng cháu mặc quân phục còn bình thường chúng cháu chỉ mặc quần áo bình thường thôi. Vì ở đây đối mặt với rất nhiều thứ ví dụ đối mặt với sóng to, gió lớn với nắng cháy và đặc biệt trong đó có sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần”.
PGS, TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, đánh giá cao ý nghĩa và kết quả của chuyến thăm và làm việc tại Trường Sa của các thành viên trong trường. Ông hi vọng: “Trong tương lai với sự giúp đỡ của Bộ tư lệnh hải quân, các giảng viên và sinh viên của trường sẽ tiếp tục được ra động viên các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Qua chuyến đi, các cán bộ, giảng viên có trải nghiệm thực tế sẽ cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa về biển đảo”.
Chuyến thăm tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại những kỷ niệm khó phai mờ về tình quân dân nơi biển xa. Những bức ảnh mà 5 trái tim nhiệt huyết của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội chuyển tải qua triển lãm như đưa Trường Sa gần hơn với đất liền, để những người đã đi Trường Sa thì lại khắc khoải nhớ, còn những người chưa đến Trường Sa thì chỉ mong sao được một lần đặt chân đến quần đảo thiêng của Tổ quốc.