Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV: Hoàn thành sứ mệnh cho giai đoạn phát triển mới

(VOV5) - Sau hơn 1 tuần làm việc, chiều 29/07, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV bế mạc tại Hà Nội. Là kỳ họp đầu tiên của một khóa Quốc hội 5 năm 2016 - 2021, kỳ họp thứ nhất đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ tạo tiền đề cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ mà còn góp phần kiện toàn bộ máy Nhà nước với hàng chục chức danh được bầu, phê chuẩn, trong đó có Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ.                                                           

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV diễn ra trong 9 ngày, với trọng tâm là xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước  theo đúng với thông lệ các kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội. Nhưng tại kỳ này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu không vì công tác nhân sự mà để chậm trễ việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống nên Quốc hội cũng tiến hành công tác lập pháp, thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, thông qua chương trình giám sát chuyên đề.

 

Kiện toàn nhân sự tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị

Kiện toàn nhân sự là nhiệm vụ trọng tâm tại kỳ họp này khi chiếm tới 2/3 thời gian của kỳ họp. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán Phương hướng công tác cán bộ do Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra, căn cứ vào thực tế tình hình đội ngũ cán bộ hiện có và yêu cầu về cơ cấu tổ chức, nhân sự của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các cơ quan tư pháp, Tổng kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ XIV, các vị đại biểu Quốc hội đã dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn, bầu, phê chuẩn những người xứng đáng vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

 

Quốc hội bầu, phê chuẩn Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội. Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước. Sau khi quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm 26 thành viên Chính phủ gồm các Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ;phê chuẩn danh sách các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Tỉ lệ phiếu bầu của Quốc hội với các vị trí lãnh đạo đều ở mức cao. Điều này vừa là niềm tin, vừa là sự tín nhiệm của cử tri (thông qua các đại biểu đại diện cho họ) đối với những người được chọn gánh vác trọng trách lãnh đạo đất nước. Niềm tin này bước đầu đã được đền đáp khi trong các bài phát biểu sau khi nhậm chức, các vị trí lãnh đạo cấp cao cam kết rõ ràng về việc lãnh đạo đất nước phát triển, duy trì sự liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân. Ông Trần Văn Rón, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, cho rằng:Chúng tôi rất an tâm về công tác nhân sự vì được bầu với tỷ lệ khá cao. Điều này chứng tỏ uy tín cả trong quá trình thực tiễn từ khi kết thúc Quốc hội khóa XIII đến khi bắt đầu Quốc hội khóa XIV. Các vị được bầu đã lãnh đạo năng động, sáng tạo, tập trung giải quyết các vấn đề quyết liệt, quyết tâm. Điều đó đưa đất nước phát triển tốt hơn.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV:  Hoàn thành sứ mệnh cho giai đoạn phát triển mới  - ảnh 1



Ông Nguyễn Quang Tuấn, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho biết:Nhân sự của thời đại mới đòi hỏi cao hơn rất nhiều so với trước đây. Đó là những người có kiến thức thực tế, dám nghĩ, dám làm và có am hiểu rộng không chỉ tất cả các lĩnh vực của đất nước mà còn cả quốc tế, để làm sao chúng ta hội nhập tốt. Đó là mong mỏi, yêu cầu và kì vọng của người dân.

 

Thông qua chương trình xây dựng luật, tăng cường giám sát chuyên đề            

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, các vị đại biểu Quốc hội cũng xem xét, thông qua các nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề.


Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp 2013, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế là mục tiêu hướng tới của Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội thống nhất đưa vào Chương trình các dự án luật, pháp lệnh nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp; thực hiện các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân, để từ nay đến năm 2020 Việt Nam có đủ các luật cơ bản, cần thiết để điều chỉnh các quan hệ xã hội.
 

 Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV kết thúc. Những nội dung quan trọng được thông qua tại kỳ họp này góp phần quan trọng trong việc kiện toàn bộ máy Nhà nước cũng như đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác